top of page
Writer's pictureHoa Le

DẠY TRẺ TUÂN THỦ

Hôm qua khi buổi chiều phỏng vấn một người mẹ, chị nói “em thích cô giáo đó vì có vẻ như bé CHỊU LÀM THEO cô”, ý là bé đáp lại các yêu cầu của cô. Mẹ cũng nói rằng khi cô hỏi “cái gì đây” bé nói được, nhưng không hiểu sao về nhà con không chịu nói khi mẹ hỏi.


Đến tối khi tư vấn một mẹ khác, tôi lại nghe “em thường phải la và có lúc phải đánh con thì con mới chịu viết cô ạ, mà em biết là con em nó viết được, làm sao để con NGHE LỜI bây giờ?”.


Cách đây một tháng, tôi nói chuyện với một mẹ rất chịu khó nghiên cứu các phương pháp can thiệp khác nhau, khi cô nói là “hiện tại mục tiêu của con em là đứng xa các bạn 2 mét trong lớp” (vì bé hay đánh bạn), tôi hỏi “thế nếu con em muốn đọc sách cùng với bạn hay tương tác trong một trò chơi thì làm thế nào? Em cho con đến trường để hoà nhập đúng không?”, mẹ im lặng.


Có vẻ như các cha mẹ không nhận ra rằng mặc dù mục tiêu của họ cho con là học các kỹ năng: như gọi tên được các đồ vật hay viết được chữ, chơi được với bạn, nhưng cái mà họ thật sự đang dạy con là “TUÂN THỦ”. Và tệ hơn nữa là, như trong các ví dụ trên, kết quả họ nhận được có thể là trẻ không biết sử dụng kỹ năng đó một cách tự nhiên (trong trường hợp thứ nhất), hay trở nên ghét những gì mình làm (trong trường hợp thứ hai), hoặc thậm chí là đạt kết quả ngược lại (trong trường hợp thứ ba).


Hầu hết trẻ khi đến với chúng tôi đều đã trải qua những giờ can thiệp “tuân thủ” như vậy, và những trạng thái tinh thần của trẻ mà chúng tôi phải tiếp nhận chính là một sự “đề phòng/cảnh giác” ở mức độ mà nhiều khả năng là tỷ lệ thuận với số giờ “học tuân thủ” mà đứa trẻ đó đã trải qua. Bởi vì “sự tuân thủ bị ép buộc” đồng nghĩa với “sang chấn”. Thường trong thời gian đầu, những đứa trẻ này hoặc sẽ khép kín, hoặc dễ bùng nổ, trốn tránh hoặc tự làm hại bản thân.


Mọi người mặc định rằng các hành vi đó là một phần của tự kỷ, nhưng rất nhiều người tự kỷ lại cho rằng, can thiệp “tuân thủ” đóng vai trò lớn trong nguyên nhân gây ra PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) cho khoảng 40% người tự kỷ.


Tôi hoàn toàn hiểu ý định tốt của những người làm can thiệp trẻ theo cách dạy “tuân thủ”, trước đây tôi cũng đã làm như thế, tất cả chúng ta đều làm tốt nhất có thể để giúp các thiên thần nhỏ bé đó, với những hiểu biết và kinh nghiệm của mỗi chúng ta ở từng thời điểm. Và tôi thật sự vui mừng vì hiện nay ở Việt Nam các chuyên gia đã nói nhiều đến “can thiệp vui” hay “yêu thương trên hết”.


Hãy lắng nghe những người tự kỷ nói, họ biết hơn chúng ta điều gì tốt cho họ, họ cần sự HỢP TÁC thay cho học tuân thủ, cần TÌNH THƯƠNG YÊU thay cho hệ quả, cần các MỐI QUAN HỆ thay cho phần thưởng.


Trẻ đặc biệt cần ĐƯỢC KẾT NỐI CHỨ KHÔNG PHẢI SỰ KIỂM SOÁT của chúng ta, và cuối cùng, chúng cần LÒNG TIN để giảm dần các ảnh hưởng của sang chấn.


Hoa Le

Recent Posts

See All

Commentaires


bottom of page