top of page
  • Writer's pictureHoa Le

COVID VÀ SỨC KHOẺ TÂM THẦN

Hai hôm trước bạn tôi nói người nhà cô ấy bị căng thẳng nặng, mấy đồng nghiệp nói họ đã ngủ mê mệt nhiều giờ trong ngày và em tôi thì kêu chán vì phải ngồi không, tôi nghĩ Covid chắc không chỉ làm chúng ta ốm và một số người chết, mà đã, đang và sẽ gây ra những hậu quả về sức khoẻ tâm thần nghiêm trọng.


Một số nghiên cứu tâm lý ở Anh thời gian cách ly từ đầu tháng Tư đến giữa tháng Năm 2020 đã cho thấy hơn một nửa số người lớn và trên hai phần ba những người trẻ tuổi nói rằng sức khỏe tâm thần của họ đã trở nên tồi tệ hơn do bị hạn chế gặp gỡ mọi người, không được đi ra ngoài và lo lắng về sức khỏe gia đình và bạn bè. Ở một đất nước với hệ thống chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao, mà dịch bệnh cũng đã làm cho nhiều người (một phần ba số người lớn và một phần tư số người trẻ, những người gặp lo lắng, trầm cảm, sợ hãi) không cảm thấy có quyền tìm kiếm sự trợ giúp hoặc muốn tìm kiếm nhưng không được.


Kết quả là nhiều người trong số họ đã chuyển sang các cách đối phó như ăn quá nhiều hoặc quá ít, gần một phần ba trong số họ sử dụng rượu hoặc ma túy bất hợp pháp, một số khác thì có những hành vi tự làm hại bản thân, đặc biệt là những người khoảng từ 18 đến 24 tuổi.


Trong các nghiên cứu trên, sự cô đơn được tìm thấy như là một yếu tố quan trọng góp phần làm cho sức khoẻ tâm thần của người Anh tồi tệ đi trong thời Covid. Có lẽ Việt Nam vẫn may mắn vì chúng ta có truyền thống gia đình nhiều thế hệ chung sống, khi tôi nói chuyện với bố hôm qua, ông nói rằng đứa cháu gái 5 tuổi con em trai tôi đã đem lại rất nhiều niềm vui và tiếng cười cho cả nhà trong thời gian cách ly này. Và với những người suy nghĩ theo hướng tích cực thì Covid cũng có cái lợi là làm cho mọi người có nhiều thời gian bên nhau hơn.


Hôm nay khi làm việc với một gia đình có con tự kỷ ở Việt Nam, tôi nhận thấy người mẹ như đang kiệt sức và nghĩ đến bỏ cuộc. Vì Covid, những người trước đây vẫn đến chơi hàng ngày đã không thể đến chơi với bé, và chị phải chăm sóc con liên tục trong khi bản thân chị cũng đang không khoẻ. Với bé, việc không được ra ngoài và không được gặp hàng xóm như trước, việc anh của bé đi làm mấy ngày không về nhà. Những thay đổi lớn về lịch sinh hoạt và sự lo lắng vì dịch bệnh của bố mẹ đã làm cho bé rơi vào trạng thái khép kín, không muốn tương tác với bố mẹ, từ chối ăn, ngủ, những gì bé làm được trong thời gian qua bây giờ hầu như bé không làm nữa, người mẹ thất vọng và cảm thấy sự tiến triển của con không đáng kể, chị nói “chị đang nghĩ có nên tiếp tục nữa không”. Đây không phải lần đầu tiên tôi nghe phụ huynh nói như vậy, và tôi hiểu khi một người mẹ phải nói lên điều đó chứng tỏ họ đang thật sự căng thẳng, không ai muốn từ bỏ sự giúp đỡ với con mình, trừ khi họ không còn khả năng nữa.


Tôi biết những cha mẹ của trẻ đặc biệt nếu bị đòi hỏi phải tranh thủ thời gian cách ly ở nhà để chơi với con, với một số người có thể là quá sức ở thời điểm mà bản thân họ cũng đầy lo lắng này. Tuy nhiên khi dịch bệnh và cách ly càng kéo dài, trẻ lại càng cần được cười, được nghe thấy những tiếng cười và tiếp xúc với những người có trạng thái thần kinh ổn định để giúp chúng tự điều chỉnh.


Trong các nghiên cứu trên, người ta đã tìm ra cách đối phó tốt nhất với sự đi xuống của sức khoẻ tâm thần là sự KẾT NỐI VỚI GIA ĐÌNH VÀ BẠN BÈ ONLINE. Đầu tuần này tôi đã thí nghiệm tổ chức một buổi “chơi online” qua Zoom với bố mẹ tôi và gia đình cậu em trai, cùng với gia đình của anh trai tôi nữa, và chúng tôi đã có gần 1 giờ cùng nhau giải các câu đố mà tôi chuẩn bị sẵn, chúng tôi đã nhìn nhau, nói chuyện và cười thoải mái. Có rất nhiều trò chơi tập thể (không phải game online) mà các bạn có thể tìm thấy trên mạng và chơi cùng với gia đình hay bạn bè của mình qua màn hình. Còn với những gia đình có con nhỏ, có rất nhiều trò chơi thủ công để các bạn có thể làm với con sử dụng những dụng cụ đơn giản có sẵn trong gia đình.


Nhóm Gxers chúng tôi cũng tranh thủ lúc ít việc gặp nhau online mỗi ngày cùng học một phương pháp tư vấn mới để có thể giúp phụ huynh tốt hơn. Chưa biết là kết quả học sẽ đi đến đâu nhưng được cười hầu như liên tục 60 phút đó cũng làm cho mỗi chúng tôi thấy khoẻ mạnh và lạc quan hơn. Các bạn có biết cười là một cách kích thích thần kinh phế vị (chùm dây thần kinh quyết định rất nhiều đến sức khoẻ cơ thể và tinh thần của bạn) cực kỳ hiệu quả không?


Hãy biến những thời điểm khó khăn này thành cơ hội để kết nối, offline và online!


Hoa Le

12 views0 comments

Recent Posts

See All

コメント


bottom of page