Một cậu bé 6 tuổi thông minh nhưng hơi có phần “nóng tính” theo lời miêu tả của mẹ, mỗi lần đến bữa ăn tối, mới chỉ nhìn vào món ăn mẹ đặt trước mặt, đã hầu như luôn phản ứng bằng câu “Dở ẹc” hoặc “Con không thích”, mặc dù sau đó bé vẫn thử và ăn những món đó. Người mẹ, sau khi đã rất cố gắng nấu những món ăn khác nhau để phục vụ bé và cả nhà, nghe thấy thế thì rất bực, bảo cậu “Đã nấu cho ăn còn chê hả, con nói thế không tốt” hoặc hôm nào kiềm chế tốt hơn thì nói “Con không nên nói thế, mẹ đã mất bao công sức để nấu, con ăn đi”.
Những bé mà chúng ta hay gọi là có năng lượng mạnh (intense energy), bao gồm các bé tăng động giảm chú ý hoặc có nhiều hành vi thách thức như hung hăng, bột phát…thường có các phản ứng như vậy. Một điều tôi chắc chắn là chúng không cố tình làm cha mẹ hoặc những người khác khó chịu, phản ứng của chúng thể hiện những cảm giác thật đang diễn ra bên trong. Chúng không thể kiểm soát được cảm giác của mình. Cậu bé đó hiểu là không nên nói những điều làm cho mẹ bực tức, nhưng cậu không thể làm khác.
Cảm giác mạnh cần phải được cảm nhận và được công nhận trong các mối quan hệ giữa người với người. Một người chỉ đạt được cách giải quyết lành mạnh các trải nghiệm cảm xúc của họ khi được người khác chấp nhận và hiểu. Khi một đứa trẻ cảm giác điều gì đó, nó sẽ không chắc về các đặc điểm của cảm giác đó và ý nghĩa của nó. Kết quả là, nó sẽ không thể xử lý cảm giác đó và có thể bị quá tải cảm xúc. Chỉ khi một ai đó phản hồi lại cảm giác của trẻ thì trẻ mới nhận biết được cảm giác đó rõ ràng để có thể hiểu, kiểm soát và vượt qua được nó và rồi để nó lại phía sau. Ví dụ: khi con bạn hét lên “Con không thích anh gọi con là “đồ yếu đuối”. Bạn sẽ nói “Nghe có vẻ như con đang tức giận”. Bây giờ thì cảm giác của con bạn đã được gọi tên là sự tức giận. Nó đã được khái niệm hóa và con bạn có thể ý thức được về sự tức giận.
Có rất nhiều vấn đề có thể được giải quyết khi bạn công nhận cảm giác của trẻ. Trẻ có thể không hiểu cái gì đang xảy ra. Trẻ cần một cái gương của người khác để phản hồi lại những gì nó đang cảm nhận để nó có thể nhìn được, đó là sự đồng cảm. Cảm giác được chấp nhận và được công nhận là một phần quan trọng trong trị liệu chơi của chúng tôi, chúng tôi luôn lắng nghe và phản hồi lại những gì trẻ thể hiện qua cách chơi hay lời nói, đó cũng là cách kết nối giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc cực kỳ hiệu quả.
Tôi đã khuyên người mẹ trong câu chuyện trên là trước tiên hãy công nhận những cảm giác của con: “Con nhìn thấy món này dở hả?” hoặc “Con không thích nó vì trông nó không đẹp mắt phải không?. Sau đó mẹ có thể nói cho con mong muốn của mình “Nhưng biết đâu nếu thử con sẽ thấy nó cũng ngon đấy” hoặc “Nhưng mẹ ăn rồi và thấy ngon lắm, con chưa muốn ăn hôm nay thì mai con thử nhé”. Khi cha mẹ học cách công nhận cảm giác của con là họ đang tạo ra một không khí thanh bình trong gia đình và có thể giúp ngăn chặn được những cơn bùng nổ.
Không chấp nhận cảm giác của con bạn sẽ dẫn đến những cảm giác đó bị kìm nén và từ đó một loạt các vấn đề về hành vi sẽ xuất hiện, thậm chí cả rối loạn cảm xúc . Nếu như con bạn nói nó không thích một cái gì hãy cố gắng hiểu điều đó theo con và cho phép cảm giác của con, để con bạn có thể cảm thấy AN TOÀN KHI THỂ HIỆN CÁC CẢM GIÁC của mình và làm điều đó một cách tự nhiên. Đó chính là tiền đề cho sức khỏe cảm xúc của mỗi con người.
“Một đứa trẻ không có quyền làm tất cả mọi thứ nó muốn, nhưng nó có quyền cảm nhận được mọi thứ nó muốn. Cảm giác là tự động, không phải là sản phẩm của sự lựa chọn, và chúng cần được chấp nhận.” - Joseph Sacks, Chuyên gia công tác xã hội và Trị liệu Chơi
Hoa Le
Comentarios