Từ những ngày đầu lĩnh vực can thiệp tự kỷ chỉ có các kiến thức về hành vi, đến nay hầu hết mọi người đều hiểu được tầm quan trọng của rối loạn xử lý cảm giác. Và qua quá trình nghiên cứu và làm việc với nhiều trẻ đặc biệt khác, chúng tôi nhận ra rằng nó còn là vấn đề của trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý, chậm phát triển, hay sang chấn đầu đời nói chung.
Cách đây vài năm khi tham gia khoá học về rối loạn xử lý cảm giác, tôi đã trò chuyện trong giờ nghỉ giải lao với người dạy là chuyên gia trị liệu hoạt động, cô nói với tôi “tôi nghĩ rằng không có tự kỷ đâu, chỉ có rối loạn xử lý cảm giác thôi”. Tôi cũng không chắc điều này đúng nhưng thật sự là xử lý cảm giác đã và đang luôn là các khó khăn lớn ở tất cả những trẻ đến với chúng tôi.
Đến khi tôi tìm được cuốn sách “Reframe your thinking around autism/Thay đổi suy nghĩ của bạn về tự kỷ” của Holly Bridges và bắt đầu tìm hiểu về Polyvagal Theory/Học thuyết đa thần kinh phế vị, tôi thật sự hứng thú với những gì mình học thêm được về tự kỷ và các rối loạn phát triển khác. Càng ngày tôi càng thấy tâm đắc với những gì người tự kỷ nói, Maxfield Sparrow đã từng viết trong blog của mình “Khi tôi còn nhỏ, tôi cảm giác không có một nơi nào an toàn, không có một nơi nào để tôi có thể là chính mình, không có nơi nào tôi có thể thư giãn”.
Tiến sĩ Porges, nhà sáng lập Polyvagal Theory, cũng luôn nói “AN TOÀN LÀ ĐIỀUTRỊ, VÀ ĐIỀUTRỊ LÀ AN TOÀN”. Theo ông, vấn đề của người tự kỷ là các sang chấn đầu đời làm họ luôn cảm thấy không an toàn, hệ thần kinh tự chủ rơi vào trạng thái đóng băng, hoặc chạy trốn chống trả hầu hết thời gian, và do đó hệ thống xử lý cảm giác của họ không hoạt động tốt.
Tôi vẫn hiểu là khi một người không cảm thấy an toàn, hệ thần kinh của họ sẽ luôn cảnh giác và họ trở nên quá nhạy cảm với các kích thích trong môi trường, tức là sẽ có vấn đề điều chỉnh cảm giác. Chúng ta ai cũng biết rất rất nhiều trẻ tự kỷ nhạy cảm với âm thanh, một số nhạy cảm với ánh sáng, động chạm cơ thể, mùi và vị, nhiều trẻ dị ứng với các hoá chất trong môi trường.
Nhưng cũng có thể có một giả thuyết khác là các rối loạn về xử lý cảm giác làm cho trẻ mất lòng tin vào môi trường xung quanh và vì thế sẽ cảm thấy không an toàn. Câu hỏi mà tôi vẫn thường đặt ra cho mình là “thế cái nào đến trước, rối loạn xử lý cảm giác hay sang chấn dẫn đến sự thiếu an toàn của hệ thần kinh tự chủ?”.
Cuối cùng, tôi nghĩ mình đã tìm được câu trả lời, tuy nhiên có thể nó chỉ là câu trả lời cho thời điểm hiện tại, vì khoa học luôn phát triển và thay đổi. Tiến sĩ Odelya Gertel Kraybill, chuyên gia sang chấn, coi mối liên quan giữa các vấn đề giác quan và sang chấn như “con gà và quả trứng”. Bà nói: “Có phải tôi đã gặp vấn đề về điều hoà cảm giác trước, khiến tôi dễ bị sang chấn một cách bất thường không? Hay sang chấn đầu đời đã làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của các cơ chế điều chỉnh cảm giác của tôi? Tôi không biết - tôi còn quá nhỏ để có thể nhớ lại tường tận các ký ức của thời điểm đó”.
Nhưng điều này không thực sự quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta nhận ra rằng sang chấn và điều hoà cảm giác đan xen nhau một cách sâu sắc. Sang chấn ảnh hưởng lớn đến khả năng điều hoà cảm giác, làm thay đổi đáng kể phản ứng của những người sống sót qua sang chấn đối với các trải nghiệm giác quan.
Sheila Frick, một nhà trị liệu hoạt động, cho rằng cách tiếp cận tốt nhất là xem xét quá trình xử lý cảm giác thông qua các hiểu biết về sang chấn, tạo ra sự an toàn trong môi trường, cũng như trong mối quan hệ trị liệu. Từ nền tảng này, các kỹ thuật vận động cảm giác được sử dụng để hỗ trợ trẻ điều chỉnh các kích thích, giải phóng một phần căng thẳng trong cơ thể và tìm kiếm sự ổn định thực sự. Chắc chắn lúc đó việc dạy các kỹ năng cho trẻ sẽ thành công và thật sự bền vững.
Hoa Le
Comentários