Nhiều người may mắn đã yêu thích những gì mình học và làm ngay từ khi tốt nghiệp phổ thông, nhưng những người phải trải qua nhiều công việc và ngành nghề như tôi chắc cũng không ít.
Tôi tốt nghiệp phổ thông và đi học ở Liên Xô khi chưa đầy 17 tuổi. Chúng tôi học tiếng Nga ở Trường đại học ngoại ngữ (Thanh Xuân) 8 tháng trước khi đi, và học xong thì tôi được chọn ngành. Thời đó chẳng ai biết hướng nghiệp là gì hay chẳng bố mẹ nào hiểu, khuyến khích hay quan tâm đến đam mê của con cái. Họ chỉ biết nghề nào ra trường kiếm được tiền thì nên đi theo, và tôi cũng chẳng biết mình sẽ thích làm gì. Theo lời khuyên của bố, hiệu phó trường cấp 3 và là giáo viên toán, và cậu ruột tôi lúc đó đang làm tiến sĩ địa chất tại Ba Lan, tôi đã chọn một ngành học nghe rất kêu là “kỹ thuật siêu âm”, mặc dù không có một chút khái niệm nó là gì và có thú vị hay không.
Ảnh: Tôi cùng bạn học tại Liên Xô
Ngành học của tôi chọn thuộc về một trường đại học lớn ở Kiev, thủ đô Ukraine lúc bấy giờ. Trường rộng mênh mông và có rất nhiều khoa khác nhau. Và tôi phải mất 6 năm để học một chương trình chắc tương đương với chương trình đại học và thạc sĩ ở các nước phương tây. Tuy nhiên tôi phải thú nhận là tôi đã làm phí tiền của của nhà nước Liên Xô bỏ ra cho tôi ăn học. Mặc dù vậy, tôi đã có những tháng ngày sinh viên rất vui vẻ và có những người bạn người bản xứ cũng như người Việt Nam tuyệt vời, hầu hết các bạn thân bây giờ của tôi đều là bạn học thời đó. Tôi cuối cùng cũng tốt nghiệp và về nước, nhưng cũng may cho xã hội là tôi đã không làm việc như một kỹ sư siêu âm (theo như bằng tốt nghiệp của tôi) mà tôi chỉ sử dụng vốn tiếng Nga của mình và làm phiên dịch tiếng Nga. Công việc phiên dịch tiếng Nga cũng đem lại cho tôi cuộc sống thoải mái nhưng lúc đó tôi cũng chẳng nghĩ đến việc là mình có thật sự thích nó hay không.
Rồi cũng theo phong trào của mọi người Việt Nam trẻ thời đó, đầu những năm 90, tôi bắt đầu học tiếng Anh ở các trung tâm buổi tối. Vài năm sau tôi được bạn bè giới thiệu sang làm cho một tập đoàn của Anh, lúc đầu là làm trợ lý giám đốc (đánh máy văn bản và phiên dịch) rồi tôi được học dần để làm kinh doanh cho công ty bảo hiểm của tập đoàn. Cũng chẳng phải tôi thích kinh doanh hay gì, nhưng có cơ hội được làm việc cho công ty của Anh thời đó là may mắn lắm. Phải nói lợi ích duy nhất của những năm làm kinh doanh chính là nó giúp tôi nhận ra tôi rất ghét và hoàn toàn không có khiếu kinh doanh. Thế nhưng, lúc đó tôi cũng vẫn chưa biết là mình sẽ hợp với cái gì cả.
Tôi còn nhớ những năm đầu đại học ở Kiev, đầu thập kỷ 80, nhà nước Việt nam gửi các em bé 8 đến 11 tuổi sang Liên Xô để học múa ba lê (chắc cũng miễn phí giống như lưu học sinh chúng tôi), nhưng cha mẹ không được đi cùng. Trường ba lê ở gần trường tôi, trông các em ấy còn nhỏ phải xa cha mẹ và tập luyện vất vả tôi thương lắm. Thường cuối tuần tôi hay sang chơi với các em, nấu đồ ăn Việt Nam mang sang hoặc rủ các em về ký túc xá của tôi chơi. Tôi thật sự thích thời gian ở bên các em. Có lẽ tôi thích trẻ em từ hồi đó.
Đến khi có con thì tôi suốt ngày quanh quẩn bên chúng, may mắn là tôi không phải đi làm khi các con còn nhỏ. Và tôi tin rằng chính các con là lý do để tôi quyết định học tâm lý. Trong thời gian đó nhiều lúc tôi định bụng là khi học xong tôi sẽ giúp những người phụ nữ Việt Nam thay đổi để không tạo ra những thế hệ đàn ông thiếu tự lập, mất khả năng chịu trách nhiệm. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trẻ em nam đươc mẹ và gia đình, có khi cả dòng họ quá nuông chiều và lớn lên không thể chăm sóc được cho gia đình của mình. Tuy nhiên khi học đến môn “tự kỷ, tăng động và các rối loạn phát triển” của năm cuối cùng thì tôi quyết định đó là cái mà tôi sẽ theo đuổi sau này: giúp những đứa trẻ đặc biệt! Lúc đó tôi đã ngoài 40 tuổi.
Con đường học hành của tôi vẫn chưa bao giờ thực sự chấm dứt. Khi tôi tốt nghiệp tâm lý và gặp được một chuyên gia về giáo dục đặc biệt người Anh, nói với anh về ý nguyện của mình, anh nói tôi cần học ABA (Phân tích Hành vi Ứng dụng) để được chứng chỉ của hiệp hội các nhà phân tích hành vi BACB. Ở thời điểm đó, chứng chỉ này là đích đến của hầu hết các chuyên gia về giáo dục đặc biệt trên thế giới. Tôi đã mất hơn 3 năm học với trường công nghệ Florida và thực hành hơn 1000 giờ 1:1 với trẻ đặc biệt, và cuối cùng là trải qua một kỳ thi mà trong đó tỷ lệ đỗ thường chỉ dưới 60%. Tôi đã may mắn vượt qua kỳ thì đó và được cấp chứng chỉ này tháng 8 năm 2016.
Tôi mừng lắm, bao nhiêu công sức của mình đã được đền đáp, tôi bắt đầu đi dạy các cha mẹ và giáo viên về ABA. Mặc dù đã thực hành ABA trước đó nhiều năm, nhưng có chứng chỉ giúp tôi trở thành “chuyên gia” và trong những năm đó tôi đã tin rằng tôi đang thật sự giúp trẻ đặc biệt một cách hiệu quả nhất. Ai làm việc trong lĩnh vực tự kỷ mấy chục năm qua cũng biết rằng ABA đã từng (và hình như ở một số nơi vẫn đang) được coi là “phương pháp can thiệp tự kỷ duy nhất có bằng chứng khoa học”. Mặc dù lý thuyết về ABA hầu như không có điểm gì vô lý, và được cho là khoa học, nhưng khi áp dụng cho trẻ tự kỷ thì tôi cứ thấy có gì đó không ổn. Tôi rất yêu trẻ tự kỷ và cố gắng làm những gì tốt nhất mà tôi biết nhưng chúng hầu như không thích những gì tôi cố gắng dạy cũng như tôi cảm thấy có lỗi khi luôn phải ép buộc chúng. Cứ giúp trẻ giảm được một hành vi mà chúng tôi thường gọi là “hành vi không mong muốn” nào đó thì hành vi không mong muốn khác lại xuất hiện. Tôi bắt đầu đặt các câu hỏi về những gì mình làm vì có vẻ như chúng không có tác dụng lâu dài.
Chúng tôi thường xuyên về Anh mỗi năm vài tháng để cho các con thăm ông bà nội và họ hàng, và từ khi làm “tự kỷ”, tôi thường xuyên “sưu tầm” sách tự kỷ, mỗi năm trung bình khoảng hơn 10 cuốn. Những năm đầu tôi mua và đọc rất nhiều sách “giáo khoa” hay sách của các chuyên gia hành vi viết, nhưng dần dần tôi tôi bắt đầu tìm được những sách của các phương pháp theo hướng phát triển như “DIR Floor time “ của tiến sĩ Grenspan, hay “RDI” của Gutstein, RIT của Ingersoll. Tôi bắt đầu cảm thấy có hy vọng. Tuy nhiên, để thay đổi một con đường mình đã bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền bạc và thời gian vào để có được không dễ dàng, vì lúc đó tôi bắt đầu được nhiều người trong ngành biết đến và mời tham gia vào các dự án, tư vấn cho các trung tâm giáo dục chuyên biệt về ABA, và tôi đã bắt đầu tư vấn cho các phụ huynh theo giờ với giá tương đối cao.
Tôi bắt đầu áp dụng một số cách chơi mà tôi học được từ những phương pháp can thiệp theo hướng phát triển vào các buổi trị liệu của mình và thấy thích những gì mình làm hơn. Những đứa trẻ mà tôi giúp đỡ trở nên vui vẻ hơn. Tuy nhiên lúc đó tôi vẫn chưa tin hoàn toàn được thuyết phục bởi những phương pháp mới học được này. Tôi vẫn còn nhớ đầu năm 2017, đó là kỳ nghỉ Tết và tôi nghe được một webinar của Sally Rogers, một trong những nhà sáng lập của ESDM, phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ nhỏ hoặc cho trẻ bắt đầu có các dấu hiệu tự kỷ đã từng được tạp chí TIME gọi là một trong 10 đột phá của y học năm 2012. Tôi mừng lắm, tôi đăng ký học ngay khoá học 4 tháng của ESDM, và học được khá nhiều thứ mới. ESDM dạy trẻ không cần phần thưởng, và có kỹ thuật bắt chước trẻ tạo ra giao tiếp mắt tự nhiên mà tôi rất thích, cách mở rộng trò chơi của ESDM cũng rất sáng tạo và thường được sự hưởng ứng của các bé. Tuy nhiên ESDM yêu cầu người dạy phải ghi lại nhiều dữ liệu sau mỗi 15 phút chơi (nếu như bạn làm đúng theo quy trình của họ). Điều này làm gián đoạn giờ chơi và với những bạn nhỏ có độ linh hoạt kém sẽ rất khó để quay lại tương tác. Điều làm tôi băn khoăn nữa là trong những video mẫu bài giảng của bà Rogers, tôi vẫn cảm nhận sự ép buộc đứa trẻ từ các nhà trị liệu. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao ESDM lại chỉ có hiệu quả với trẻ dưới 4 tuổi, vì với trẻ tự kỷ lớn, mức độ căng thẳng và đề phòng với cách tiếp cận của người lớn rất cao, chỉ một dấu hiệu của sự ép buộc sẽ làm chúng rơi vào trạng thái phòng vệ và lúc đó bạn sẽ mất tương tác với trẻ.
Tuy tôi học ABA nhưng tôi đã rất may mắn là người giám sát ABA của tôi, lúc đó là tiến sĩ tâm lý đồng thời là một nhà phân tích hành vi ở mức độ tiến sĩ (BCBA -D) đã dạy cho tôi Trị liệu Tương tác giữa Cha mẹ và con (PCIT) ngay từ những ngày đầu chúng tôi làm việc cùng nhau. Trị liệu này ra đời để giúp cha mẹ quản lý các hành vi không mong muốn của trẻ từ 2-7 tuổi, nhưng sau đó nó đã được áp dụng rất hiệu quả với nhiều trẻ đặc biệt. Về cơ bản trị liệu này yêu cầu chúng ta hoàn toàn đi theo trẻ, gọi là chơi do trẻ dẫn dắt. Mặc dù sau đó tôi đã được học rất nhiều các phương pháp chơi khác, tôi luôn biết ơn người giám sát của tôi đã cho tôi học PCIT. Càng học tôi mới càng thấy rằng tương tác hay chơi do trẻ dẫn dắt chính là nền tảng cho mọi tương tác thành công của chúng ta với trẻ, đó chính là bước đầu tiên cơ bản để giúp trẻ phát triển cảm xúc. Các phương pháp can thiệp tự kỷ phổ biến ngày nay như More than words, DIR Floor time, ESDM, RIT, JASPER, SCERTS, Tương tác Tăng Cường (Intensive Interaction), Chương trình The Son Rise, đều đề cập đến yếu tố chơi do trẻ dẫn dắt mặc dù không phải phương pháp nào cũng cho trẻ dẫn dắt theo đúng nghĩa của nó.
Tôi đã đọc tất cả những sách gì tôi có thể mua hay tham gia các khóa học online/offline của những phương pháp can thiệp tự kỷ mới này. Song song với việc đọc sách do những người tự kỷ hoặc cha mẹ của họ viết, tôi tìm hiểu thêm về khoa học thần kinh lý giải cho những phương pháp đó. Tôi đã so sánh và thử tất cả với các học sinh mà mình may mắn được hỗ trợ. Trong quá trình hơn bốn năm qua với nhiều thời gian trong phòng chơi và làm việc với nhiều gia đình, tôi, cùng với sự giúp đỡ của các cộng sự của mình tại Gánh Xiếc, đã tạo ra một Chương trình Trị liệu chơi. Chương trình này dựa trên các tiêu chí: cha mẹ hạnh phúc giúp trẻ phát triển, giúp trẻ ổn định cơ thể bằng dinh dưỡng tốt và vận động, kết nối với trẻ bằng sự chấp nhận và tôn trọng các hành vi “tự kỷ”, cho trẻ dẫn dắt hoàn toàn, dùng sự sáng tạo để mời trẻ tham gia tương tác, đặc biệt không dùng phần thưởng hay hình phạt với trẻ. Nhưng trên hết chúng tôi muốn nuôi dưỡng tình yêu thương vô điều kiện ở tất cả những người xung quanh dành cho trẻ, bắt đầu từ chúng tôi và cha mẹ của trẻ. Tôi quyết định từ bỏ chứng chỉ ABA đắt đỏ của mình để theo đuổi con đường mà trái tim mách bảo chỉ sau hai năm tôi có nó, và tôi chưa hề nuối tiếc về điều đó.
Tôi thật sự biết ơn khi được các phụ huynh gọi “cô’ xưng “em”. Những gì chúng tôi mang đến cho cộng đồng trẻ đặc biệt còn rất khiêm tốn, và con đường giúp tôi trở thành “nhà giáo” không dễ dàng, nhưng tôi cảm thấy mình đã rất may mắn.
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi lời tri ân đến tất cả những cha mẹ đã tin tưởng và đồng hành cùng Gánh Xiếc, cảm ơn những bó hoa và giỏ quà của các bạn và đặc biệt là tình cảm các bạn dành cho chúng tôi.
“Sometimes angels are disguised as kids with special needs to teach us how to be better people” – Xin được cảm ơn những đứa con đặc biệt của các bạn, những thiên thần đang giúp cho tất cả chúng ta trở nên tốt hơn!
Hoa Le
Comments