Hôm nay sau khi làm việc với hai người mẹ có con tự kỷ lớn, nỗi băn khoăn “con đường nào cho các con và gia đình” của tôi lại trở lại.
Ngoài thông điệp với các gia đình có trẻ tự kỷ nhỏ là "hãy làm hơn cả những gì bạn cho là tốt nhất”, ý tôi là ví dụ nếu bạn nghĩ rằng bạn không thể hoàn toàn hiện diện 3 hay 4 giờ cho con một ngày thì hãy biết rằng khi con bạn 10 tuổi kể cả bạn dành 3 đến 4h cho con một ngày có thể sẽ khó có được một phần hiệu quả của thời gian bạn dành cho con lúc con còn nhỏ. Với hầu hết trẻ tự kỷ lớn, việc chính của bạn sẽ là cố gắng giúp con ổn định cảm xúc và hành vi, hầu như không có thời gian cho những mục tiêu mà bạn muốn dạy con để phát triển, chưa kể đến việc phải giúp con giải quyết những “nỗi niềm” mà tự nhiên mang đến cho trẻ tuổi dậy thì.
Chắc các bạn cũng hiểu tại sao ít trung tâm can thiệp nhận học sinh sau 6 tuổi. Chúng tôi cứ đùa nhau là Gánh Xiếc hình như có duyên với các học sinh mà các trung tâm khác không nhận nữa, bởi vì đến 60% số học sinh của chúng tôi là trẻ vị thành niên, và hầu như các con đã trải qua nhiều chương trình và trung tâm khác nhau trước khi đến Gánh Xiếc.
Cách đây không lâu, tôi may mắn khi qua một đồng nghiệp rất tâm huyết trong làng tự kỷ, được biết đến Tiến Sĩ Marlo Thurman và quyển sách “Tự kỷ là tương lai” của bà. Tiến sĩ Thurman hiện đang là chủ tịch hiệp hội tự kỷ Mỹ, là một chuyên gia về giáo dục đặc biệt và tâm lý giáo dục. Tôi thật sự ngưỡng mộ công trình nghiên cứu đồ sộ và những gì bà đã và đang làm cho giáo dục đặc biệt trong hàng chục năm qua.
Trong “Tự kỷ là tương lai” bà Thurman đã viết về kết quả nghiên cứu sau khi phỏng vấn rất nhiều người tự kỷ, cả những người không nói được và những chuyên gia tâm lý, rằng sự khác biệt về nhận thức và giác quan chính là nền tảng để hiểu người tự kỷ. Bà đã thách thức các mặc định về tự kỷ và cách can thiệp tự kỷ hiện tại bằng việc đề xuất một học thuyết mới về tự kỷ “The Theory of Sensory Cognitive Difference - Học thuyết về Sự khác biệt Giác quan và Nhận thức”.
Với học thuyết này, bà cho rằng sự khác biệt của những người tự kỷ trong phổ (tự kỷ), chức năng cao hay thấp chính là sự khác biệt về khả năng quản lý được các vấn đề liên quan đến giác quan, có thể với những người được coi là “chức năng thấp hay tự kỷ điển hình”, chỉ đơn giản là họ quá tập trung vào các vấn đề giác quan và xử lý bằng hình ảnh nên không thể tạo lời nói hoặc đặt kế hoạch vận động một cách hiệu quả”.
Bà thách thức mặc định "người tự kỷ thường có khiếm khuyết trí tuệ". Theo những gì bà học được từ những người tự kỷ, trí thông minh của họ tồn tại vượt ra ngoài các định nghĩa và các giới hạn đã được Spearman (người sáng lập học thuyết về trí thông minh) và những người khác đặt cho nó. Thêm vào đó, trí thông minh của họ đa dạng và phức tạp hơn những gì người bình thường có thể tưởng tượng. Cách thức đánh giá hiện tại đã thất bại trong việc đưa vào những đặc điểm của trí thông minh của người tự kỉ, chính vì vậy, trí thông minh, và chắc là cả kỹ năng của người tự kỉ cũng không thể được đánh giá một cách chính xác. Cộng thêm với vấn đề là các môi trường đánh giá đó không đáp ứng được những nhu cầu giác quan cơ bản của người tự kỉ, những người mà khi bị ảnh hưởng của quá tải giác quan thì thậm chí không thể nghĩ được gì.
Bà kêu gọi hủy bỏ những công cụ đánh giá chính thức được sử dụng trong việc ra quyết định đối với người tự kỉ, thay vào đó bà gợi ý nên phỏng vấn họ hoặc những người hiểu họ để đưa ra những kế hoạch học tập cá nhân, trong đó tính đến cả thế mạnh và nhu cầu của mỗi người. Bà cũng yêu cầu ngừng so sánh người tự kỉ với những người phát triển bình thường trong mọi lĩnh vực.
Tôi vô cùng tâm đắc với kết luận của bà:
TỰ KỶ KHÔNG ĐI THEO MỘT HƯỚNG PHÁT TRIỂN BÌNH THƯỜNG”
Tôi biết điều này thật khó chấp nhận đối với nhiều gia đình có con tự kỷ. Đúng là những đứa trẻ thậm chí hoàn toàn không giao tiếp được vẫn đang được cố gắng đưa đến trường bình thường với mong muốn của cha mẹ là con mình có thể học được những kỹ năng nào đó, hay ít ra là cũng có tương tác xã hội. Trong rất nhiều trường hợp, cha mẹ có thể chưa nhận ra rằng con mình đang chịu đựng những căng thẳng tột độ, sự kỳ thị và bắt nạt. Cũng như hàng ngày học được rằng mình chẳng có khả năng gì so với các bạn cùng lớp, trong khi sự thật có thể con đã có trí thông minh mà các bạn và thầy cô không thể tưởng tượng được.
Tôi chưa biết con đường tốt nhất của các bạn tự kỷ là gì, nhưng chắc chắn trên con đường đó, trí thông minh sẵn có của trẻ với những mối quan tâm đặc biệt (tồn tại ở 75%-90% trẻ tự kỷ) cần phải được nuôi dưỡng.
Mời các bạn cùng comment về trí thông minh của con tự kỷ của mình và chia sẻ với tôi các mối quan tâm đặc biệt của con. Xin cảm ơn.
Hoa Le
Comments