top of page
  • Writer's pictureHoa Le

CON CÓ QUAN TRỌNG KHÔNG?

Có lẽ đây là câu hỏi luôn thường trực trong tất cả chúng ta những năm tháng sống cùng cha mẹ. Gabor Mate, bác sĩ nổi tiếng người Canada và là tác giả của nhiều cuốn sách về sự phát triển của trẻ nhỏ và bệnh tâm thần, cho rằng những gì xảy ra trong mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ tạo nên “ký ức ngầm” (implicit memory) cho mỗi người và tác động lớn đến mọi cảm xúc của chúng ta khi lớn lên.


Một cô gái trẻ nhắn tin cho bạn bè mời họ đến dự sinh nhật, nhưng có một người không đáp lại tin nhắn, không tham gia cũng không chúc mừng cô, mà lại nhắn tin cho cả nhóm về một sự kiện khác trong cùng một thời gian đó. Điều này làm cho cô gái rất buồn, cô cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy mình không có giá trị và không quan trọng với người đó.


Và đây là cuộc hội thoại giữa cô gái với Gabor Mate: - Nếu tôi gọi cô là “bụi cây màu da cam” thì cô có cảm thấy bị tổn thương hoặc buồn không? - Không - Tại sao? - Vì nó không đúng - Tất nhiên rồi, và cô nghĩ sao về điều tôi vừa nói? - Tôi nghĩ là ông có vấn đề - Chính xác, cô nghĩ hoặc tôi mù hoặc tôi bị tâm thần. Nhưng khi một ai đó cho cô thông điệp là cô không có giá trị, không quan trọng với họ, tại sao cô lại cảm thấy buồn? - Chắc vì tôi nghĩ rằng điều đó đúng - Chính xác là như vậy, cho nên vấn đề ở đây KHÔNG PHẢI LÀ Ở HỌ, MÀ LÀ Ở CÔ.


Cô gái trẻ này khi còn nhỏ đã không nói chuyện với bố mẹ mình mỗi khi cô cảm thấy buồn. Và theo Gabor Mate, khi chúng ta không cảm thấy mình đủ quan trọng với bố mẹ, chúng ta sẽ không đến với họ để nói về cảm xúc của mình, tất nhiên không bố mẹ nào cố ý làm cho con cảm thấy không quan trọng, nhưng có thể cuộc sống làm cho họ quá bận rộn hay quá căng thẳng để chú ý đến con. Và thông điệp “chúng ta không đủ quan trọng” với cha mẹ có vẻ như sẽ đi theo chúng ta suốt cuộc đời. Trong câu chuyện của cô gái trẻ này hoàn toàn có các khả năng người bạn cô vì một lý do nào đó không nhận được tin nhắn, hoặc nghĩ rằng chưa chắc cô đã thật sự muốn mình tới dự sinh nhật…


Giống như cô, những người mang thông điệp “mình không đủ quan trọng” thường sẽ: Chọn lời giải thích tồi tệ nhất cho một sự kiện không hay xảy ra với mình. Lời giải thích tồi tệ nhất đó không liên quan gì mấy đến hiện tại, nó chủ yếu liên quan đến quá khứ, tức là họ đang phản ứng với quá khứ thay bằng đáp lại hiện tại, họ KHÔNG SỐNG TRONG HIỆN TẠI, họ vẫn đang là đứa trẻ ở trong mối quan hệ với cha mẹ. Họ không cố tình lựa chọn cách phản ứng như vậy, họ làm điều đó một cách tự động.


Não của họ đi vào trạng thái tự động quyết định họ sẽ chọn lời giải thích tồi tệ nhất, tại sao lại như vây? Bởi vì đó là những niềm tin hay ký ức ngầm mà họ có về mình khi còn nhỏ, và vài thập kỷ sau, nó sẽ hiện ra và tác động vào các mối quan hệ quan trọng nhất của họ, nó cũng hiện ra trong công việc của họ, và họ càng gần ai thì các ký ức ngầm đó càng dễ bị kích hoạt.


Mỗi lần tìm hiểu về con người, tôi lại thấy thêm ngưỡng mộ đức Phật, người vẫn luôn khuyên nếu chúng ta muốn hạnh phúc thì hãy cố gắng sống tỉnh thức, SỐNG TRONG HIỆN TẠI. Thật may mắn vì đây cũng chính là điều mà rất nhiều các nhà khoa học, đặc biệt là khoa học tâm lý và thần kinh đang hướng tới.


Còn nếu bạn là cha mẹ, hãy làm CHO CON CẢM THẤY CHÚNG QUAN TRỌNG!


Hoa Le

29 views0 comments

Recent Posts

See All

コメント


bottom of page