top of page
  • Writer's pictureHoa Le

CON CẦN GÌ Ở CHÚNG TA

Tôi mới nói chuyện với một cặp vợ chồng trí thức: người chồng sắp làm xong luận án tiến sĩ, người vợ đáng lẽ cũng làm tiến sĩ cùng thời gian với chồng nhưng quyết định bỏ dở để dành thời gian với con gái đặc biệt của họ trong một năm qua. Họ sống ở một thành phố nhỏ miền Tây.


Lần đầu tiên tôi gặp họ cách đây đã 3-4 năm, khi họ muốn tôi giúp con giảm bớt hành vi bứt tóc (Trichotillomania) gây ra những mảng trống lớn trên đầu bé. Chúng tôi gặp nhau lần thứ hai khi tôi được mời tập huấn cho các giáo viên ở trường dành cho trẻ đặc biệt tại thành phố của họ, lúc này bé đã có một mái đầu xinh xắn nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi đến trường. Tôi nhớ tôi cũng chỉ khuyên cha mẹ là hãy chấp nhận và yêu thương bé nhiều hơn.


Cách đây vài tháng tôi thấy người mẹ đăng trên FB hình một bức tranh bé vẽ, đó là một bức tranh về tuổi thơ rất đẹp và tôi đã chúc mừng mẹ, cảm thấy công sức của mẹ đã đem đến những trái ngọt. Và người cha đã công nhận điều đó với tôi, anh nói trước đây bé thích dành thời gian với bố hơn nhưng từ khi mẹ ở nhà, mối quan hệ của bé và mẹ khác hẳn, bé rất hay ôm mẹ và tình cảm với mẹ hơn nhiều. Sự kết nối với cha mẹ có vẻ như là nền tảng để bé phát triển được những thế mạnh của mình trong hội hoạ và người cha còn nói là bé thích tiếng Anh và học nhanh đến mức mỗi khi dạy bé bản thân bố, là người dùng tiếng Anh để làm việc, còn phải tra từ điển.


Lý do cuộc nói chuyện của chúng tôi là họ đang xem xét việc chuyển cả gia đình lên thành phố lớn để bé có các cơ hội học tốt hơn. Đúng là mọi người vẫn luôn cho rằng thành phố lớn đem đến nhiều cơ hội thành công, nhưng theo tôi ở đây chúng ta cần trả lời hai câu hỏi:

  • Có phải thành công là tất cả những gì con chúng ta cần để hạnh phúc?

  • Cái giá con chúng ta và chúng ta phải trả cho thành công đó có đáng hay không?

Khi quyết định này liên quan đến những đứa trẻ đặc biệt thì nó lại càng quan trọng.


Người cha nói với tôi rằng cuộc sống ở thành phố chắc sẽ cần mẹ cũng phải đi làm mới đủ trang trải. Cứ cho rằng họ tìm được cho bé một trường học lý tưởng, tức là một nơi bé được tôn trọng, không kỳ thị, được phát triển các thế mạnh của bé, được giúp đỡ với những môn học mà bé còn kém, … bản thân điều này không hề đơn giản. Việc mẹ đi làm có nghĩa là thời gian dành cho con sẽ ít hơn nhiều, và với áp lực công việc tại thành phố, khả năng mẹ có thể giữ được cảm xúc ôn hoà cho con mỗi khi đi làm về sẽ ra sao? Chúng ta đã biết trạng thái thần kinh của cha mẹ, đặc biệt là người mẹ, quan trọng đối với sự phát triển cảm xúc và tự điều chỉnh của con như thế nào.


Tôi rất quý mến cha mẹ bé - những người luôn luôn trăn trở về con và đã làm được nhiều cho con trong thời gian qua. Giá như tôi có thể cho họ một câu trả lời “nên” hay “không” ngay lúc này, nhưng tôi thật sự không biết câu trả lời. Và tôi cũng không biết nếu là họ tôi sẽ phải quyết định thế nào. Tôi chỉ biết rằng mọi đứa trẻ đều cần có được sự chú ý của cha mẹ, nhất là những bé đặc biệt.


Tháng trước, một bà mẹ còn rất trẻ đến chỗ chúng tôi với một bé trai kháu khỉnh 3 tuổi, bé có vẻ tăng động và thông minh tuy chưa nói được nhiều. Khi tôi hỏi em dành cho con được bao nhiêu thời gian mỗi ngày, em nói “em đi làm từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm, cuối tuần thì chỉ nghỉ ngơi một chút rồi cũng phải làm việc, con do ông bà nội chăm hoàn toàn”. Có vẻ như tình trạng này càng ngày càng trở nên bình thường ở Việt Nam.


Craig Childress, Tiến sĩ Tâm lý chuyên tư vấn cho cha mẹ của trẻ đặc biệt, nói:

“Một trong những điều hữu ích nhất mà bạn muốn làm với một đứa trẻ đặc biệt là nhận ra rằng đứa trẻ này cần chúng ta nhiều hơn, cần sự tham gia của chúng ta nhiều hơn, thay vì khiến nó liên tục cố gắng để có sự chú ý từ chúng ta và dẫn đến tức giận và thất vọng, trẻ cần chúng ta, hãy cho trẻ điều đó”

Hoa Le

30 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentarios


bottom of page