top of page
  • Writer's pictureHoa Le

CÓ NÊN NÓI VỚI CON VỀ CHẨN ĐOÁN TỰ KỶ?

Nhân dịp có một người mẹ hỏi tôi là em có nên nói với con về chẩn đoán tự kỷ của con không. Tôi xin chia sẻ quan điểm của một người tự kỷ chức năng cao đã trưởng thành, giám đốc điều hành của tổ chức Aspergerexperts, Danny Reade. Tổ chức này đã dạy cho tôi nhiều kiến thức về tự kỷ trong những năm qua.


Theo Danny, đầu tiên và quan trọng nhất, đây là quyết định mà chỉ BẠN mới có thể đưa ra. Anh nói rằng anh không thể cho chúng ta biết chính xác những gì nên làm trong tình huống cụ thể của mình. Nhưng những hướng dẫn sau đây của anh có xu hướng áp dụng được 95% bởi các cha mẹ có con tự kỷ. Đó là:


Nói chung, có 3 dấu hiệu bạn cần chú ý để xác định có nên “nói chuyện” với con về chẩn đoán tự kỷ hay không:

1. Con có đặt câu hỏi tại sao con lại khác biệt không?- Đây là dấu hiệu lớn nhất và quan trọng nhất. Con có đưa ra nhận xét về việc con cảm thấy khác biệt về mặt xã hội ở trường hoặc nơi làm việc không? Con có phàn nàn về vấn đề giác quan không? Có phải con đang hỏi tại sao con không giống “những người khác”? Những loại câu hỏi này thể hiện rõ ràng rằng con nhận thức được có điều gì đó khác biệt và chúng đang tích cực tìm kiếm câu trả lời và lời giải thích. Vì vậy, hãy cung cấp cho con thông tin chúng tìm kiếm! Tuy nhiên, nếu con không thấy có điều gì khác biệt thì có lẽ tốt nhất là nên để yên chuyện đó lúc này. Nói có thể gây hại nhiều hơn là lợi.

2. Con có đang phát triển tốt không? - Con không nhất thiết phải là học sinh đạt điểm A hay có hàng triệu bạn bè, nhưng nhìn chung con có vui vẻ, khỏe mạnh và hài lòng với bản thân mình không? Nếu hầu hết mọi thứ trong cuộc sống của con đều còn khó khăn thì tôi khuyên bạn nên tạm dừng và xem xét những ưu và nhược điểm của việc đưa thêm một biến cố mới vào.

3. Con có đang ở Chế độ Phòng vệ không?- Nói một cách đơn giản, Chế độ Phòng vệ là trạng thái mà người tự kỷ sợ hãi, thất vọng hoặc tức giận cũng như khép kín và rút lui. Nếu con bạn đang ở trong Chế độ Phòng vệ sâu thì rất có thể việc cố gắng trò chuyện với con, nói sâu về chẩn đoán của con sẽ dẫn đến một cuộc tranh cãi hoặc nói cách khác là rơi vào bức tường gạch của sự im lặng. Điều này là do con có thể vô thức hiểu sai rằng việc bạn nói với con rằng con mắc tự kỷ như là một sự tấn công”.

Và nếu bạn quyết định nói với con thì nên nói vào lúc nào?


Thực sự không có thời điểm kỳ diệu hay ngày hoàn hảo nào để bạn nói với con về chẩn đoán tự kỷ của con. Theo Danny Reade, có một số điều cần lưu ý khi suy ngẫm về thời điểm tốt nhất như sau:

1. Tuổi tác và sự chín chắn- Tôi đã nghe nói về việc các bậc cha mẹ bắt đầu nói chuyện với con mình về chẩn đoán ngay từ khi chúng được 3-4 tuổi và ở mọi độ tuổi khác nhau. Cá nhân tôi, bố mẹ tôi đã nói chuyện với tôi về điều đó khi tôi 12 tuổi. Thực sự, điều quan trọng nhất cần tìm kiếm là mức độ trưởng thành về tinh thần và cảm xúc mà bạn cảm thấy tự tin rằng con có thể xử lý về mặt tinh thần và cảm xúc cũng như hiểu những gì bạn nói.

2. Chọn thời điểm khi con thư giãn, bình tĩnh và thoát khỏi Chế độ Phòng vệ- Nếu con bạn đang trải qua một ngày tồi tệ, đây có thể không phải là thời điểm thích hợp để cố gắng trò chuyện, có thể gây căng thẳng. Chọn thời điểm mà con có vẻ như đang ở trạng thái thuận lợi để tiếp nhận thông tin và tham gia đối thoại với bạn. Hoặc...

3. Chớp thời cơ- Nếu con bạn bắt đầu chủ đề “Con nghĩ con có thể khác mọi người” hoặc con đang đặt câu hỏi, hãy nắm bắt thời cơ! Đây là thời điểm tuyệt vời để làm điều đó vì con đang tích cực tìm kiếm thông tin. Thời điểm tốt nhất để dạy là khi học sinh thực sự muốn học.

Vậy thì, nếu nói với con thì nên nói như thế nào? Tôi sẽ trích dẫn lời khuyên của Danny Reade về cách bạn có thể nói với con về chẩn đoán tự kỷ của con. Chắc bạn cũng biết rằng để trình bày tất cả những gì bạn biết về tự kỷ, bạn sẽ cần nhiều hơn một buổi nói chuyện. Ở đây Danny đề cập đến 4 nền tảng của “nói chuyện về tự kỷ”:

Thứ nhất - Xin phép: Điều này khá đơn giản. Đơn giản chỉ cần bắt đầu bằng cách hỏi xem bây giờ có phải là thời điểm thích hợp để nói chuyện hay không hoặc liệu con có ổn không để bạn chia sẻ một điều gì đó với con. Đây là một cách để đảm bảo rằng bạn có được sự đồng ý của con trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện và nó cũng cho con biết điều gì đó sắp xảy ra để con không bị quá tải.

Thứ 2 - Hoàn toàn thực tế, trung thực và minh bạch: Mục tiêu ở đây không phải là để che dấu con điều gì đó. Bạn đang ở cùng phía với con, hỗ trợ và cố gắng cùng con định hướng trong thế giới tự kỷ. Hãy chào đón cả bóng tối và ánh sáng. Cả hai đều là thực tế của con bạn.

Thứ 3 - Định hình tư duy: Mặc dù DSM (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các bệnh tâm thần) có thể phân loại ASD (Rối loạn phổ tự kỷ) là một “rối loạn”, nhưng cá nhân tôi không thích nghĩ về nó như vậy. Đối với tôi, đó đơn giản là sự khác biệt về mặt thần kinh. Bộ não của tôi chạy trên Mac trong khi hầu hết thế giới chạy trên PC. Tôi cũng không chắc tại sao; nhưng nó là như vậy. Hệ điều hành đặc biệt này trong não tôi chắc chắn có những ưu và nhược điểm. Ví dụ, tôi có thể dễ mắc các vấn đề về lo lắng hoặc giác quan hơn, nhưng mặt khác, tôi có thể suy nghĩ khác và đôi khi giải quyết được những vấn đề mà người khác không thể. Tôi cũng có xu hướng bị ám ảnh bởi một số thứ, điều đó có nghĩa là tôi vốn có đầu óc của một chuyên gia.
Vấn đề là tất cả chúng ta đều là con người. MỌI NGƯỜI đều có ĐIỂM MẠNH, TRỞ NGẠI, ĐIỂM YẾU và những thứ họ có thể cải thiện và nỗ lực. Tự kỷ cũng không khác. Nó không định nghĩa hay thay đổi con người bạn; nó chỉ đơn giản là một phẩm chất có thể được thừa nhận, đánh giá cao và thậm chí có thể được tôn vinh.

Thứ tư- Xác định nguyên nhân: Các Chuyên gia Asperger chúng tôi ủng hộ “Intense World of Autism /Học thuyết thế giới căng thẳng ”, về cơ bản cho rằng phần lớn những khó khăn về hành vi và nhận thức mà người ta thường gắn liền với Tự kỷ chức năng cao phần lớn xuất phát từ sự quá tải về thần kinh và giác quan, dẫn đến Chế độ phòng vệ.
Điều này rất quan trọng vì nó có nghĩa là những khác biệt mà con bạn đang trải qua hoặc đang phải vật lộn với không phải là điều cố định. Ý tôi là nếu con bạn gặp khó khăn với các kỹ năng xã hội thì những kỹ năng đó có thể được học, thực hành và đạt được sự thành thạo! Nếu các vấn đề về giác quan gặp khó khăn, chúng ta có thể điều chỉnh môi trường để thích ứng với chúng nếu có thể và về lâu dài, hãy học cách quản lý chúng. Hoặc giả sử con bạn đang phải vật lộn với sự lo lắng. Có vô số kỹ thuật và liệu pháp đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc giúp con người học cách kiểm soát sự lo lắng và giảm căng thẳng.

Tôi hy vọng rằng chia sẻ của Danny Reade có thể giúp ích những cha mẹ có con tự kỷ đang băn khoăn tìm cách giúp con hiểu mình hơn. Với thái độ THẤU HIỂU, CHẤP NHẬN VÀ YÊU THƯƠNG cha mẹ chắc chắn sẽ đủ sáng suốt và kiên nhẫn để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Xin cảm ơn.


Hoa Le

17 views0 comments

Recent Posts

See All

Opmerkingen


bottom of page