top of page

CHỐNG ĐỐI

Writer: Hoa LeHoa Le

Khi con gái tôi còn nhỏ, chúng tôi hay gọi nó là ODD (rối loạn thách thức chống đối) vì so với anh nó thì tần số nó nói “không” với mọi người chắc phải gấp nhiều lần, khoảng 70% số lần tương tác.

Ông nội, một lần khi con gái tôi được khoảng 2 tuối đã nói: “Bố thấy các con dành nhiều thời gian với thằng E hơn và thiên vị nó hơn con B”. Lúc đó chúng tôi cũng nói chuyện với nhau về nhận xét của ông và thấy ông đúng, nhưng chưa nhìn thấy mối liên quan giữa điều này với ODD.

Mỗi khi các nhà chuyên môn chẩn đoán một đứa trẻ, họ thường chỉ nhìn vào hành vi, thật sự những cái nhãn như ODD hay ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) không giải thích được những gì đang xảy ra trong tâm trí của đứa trẻ.


Gabor Mate, bác sĩ người Canada được chẩn đoán ADHD lúc ông 50 tuổi và có hai con có ADHD, rất đam mê nghiên cứu về liên quan giữa mối quan hệ với các rối loạn tâm thần, đưa ra một sự so sánh vô cùng thú vị:
“Khi chúng ta chẩn đoán một đứa trẻ, hãy so sánh nó với việc chúng ta bị gãy chân, có điều gì khác với cái chân bị gãy khi tôi đang ở đây một mình hoặc khi tôi ở đây với một người khác hay không? chẳng có điều gì khác biệt cả. Nhưng đứa trẻ có thể trở nên chống đối nếu như ở đó chỉ có một mình nó hay không? Sự chống đối đồng nghĩa với việc có một mối quan hệ, nhưng tại sao chúng ta lại chẩn đoán trẻ thay cho việc xem xét các mối quan hệ”

Những hành động như chống đối chỉ có nghĩa khi nó nằm trong các mối quan hệ, sự thiếu hiểu biết về các mối quan hệ sẽ tạo ra các xung đột, những gì chúng ta làm với trẻ đều quan trọng và hiệu quả nếu như chúng được đặt trong bối cảnh của mối quan hệ của chúng ta với trẻ.

Hãy lấy ví dụ một bà mẹ không cho con đi dự buổi tiệc sinh nhật của bạn vì con từ chối mặc áo khoác, giải thích với con là trời rất lạnh nếu con không mặc áo ra ngoài thì ảnh hưởng đến sức khoẻ. Và bà đã chơi với con rất vui ở nhà trong thời gian của buổi tiệc, sau lần đó con bà không bao giờ từ chối mặc áo khoác khi ra ngoài nữa.

Nhiều người trong trường hợp này sẽ nói mình cần dạy trẻ kỷ luật, khi mẹ nói phải nghe lời…tuy nhiên người mẹ này không tập trung vào điều đó, bà đã làm cho mối quan hệ với con trở nên an toàn bằng cách dành thời gian chơi với con và để cho con tự rút ra bài học của mình.

Nếu bạn yêu cầu con làm gì đó mà chúng chưa làm ngay hoặc nói “không”, thường bạn sẽ rất khó chịu và bạn có thể dùng “quyền làm cha mẹ” để bắt con làm (hãy cẩn thận vì khi con bạn lớn thì điều này sẽ ít khả thi), nhưng nếu chúng có làm thì cũng sẽ làm một cách miễn cưỡng, không đến nơi đến chốn và sau đó chúng sẽ không thèm nói chuyện với bạn nữa, mối quan hệ cha mẹ và con trở nên căng thẳng.

Bây giờ bạn hãy thử bình tĩnh nhẹ nhàng nói với con “con bận gì phải không? tí nữa xong thì con làm nhé?” hoặc chưa nói gì cả và ngồi xuống nói chuyện với con, hỏi con lý do tại sao con chưa thể làm được lúc này, bạn sẽ thấy có thể con đang có những lo lắng nào đó liên quan đến yêu cầu của bạn và cần sự giúp đỡ, điều này sẽ đem lại cho bạn thêm cơ hội kết nối với con, và kết quả bạn sẽ thấy sự chống đối giảm dần theo thời gian. Đó là điều đã xảy ra với con gái của tôi khi tôi bắt đầu hiểu được hành vi chống đối của con bắt nguồn từ đâu.

Đừng dùng phần thưởng hay hình phạt để kỷ luật con, những kỹ thuật đó sẽ lấy đi điều tốt đẹp và quan trọng nhất chúng ta có thể làm với vai trò cha mẹ: MỐI QUAN HỆ GẮN BÓ VỚI CON.

Hoa Le

Comentarios


Đăng ký tại đây để nhận được bài viết mới nhất

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

©2021 by Hoa Le​​

bottom of page