Nhờ nhận thức về tự kỷ, rất nhiều cha mẹ đã thắc mắc về những dấu hiệu tự kỷ ở con họ, thường là với trẻ trên dưới 1 tuổi: con em gọi không quay lại, con em không bập bẹ, con em lúc nào cũng chỉ nhìn quạt trần quay…cũng có nhiều cha mẹ đã có một con được chẩn đoán tự kỷ, và rất lo lắng khi chuẩn bị sinh bé thứ hai.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên được nghe tiến sĩ Sally Rogers của đại học California, Davis, nói về một nghiên cứu của bà trên 7 trẻ sơ sinh với những dấu hiệu tự kỷ nhưng còn quá nhỏ để chẩn đoán. Lúc đó vào khoảng đầu năm 2017, thời điểm tôi đã thực hành can thiệp hành vi được 7 năm, và nhận được chứng chỉ BCaBA về phân tích hành vi, nhưng luôn cảm thấy không thoải mái với những gì mình đang làm với các bạn đặc biệt.
Trong nghiên cứu này, bà Rogers và các cộng sự đã hướng dẫn cha mẹ chơi tương tác với con mình, quá trình này diễn ra trong 12 tuần liên tục,1 lần một tuần, theo cách mà bà gọi là “tập trung vào xây dựng mối quan hệ của cha mẹ với trẻ”. Với cách chơi này, cha mẹ sẽ cẩn thận quan sát các tín hiệu của con, bắt chước con, khi con cười và nhìn, cha mẹ mở rộng trò chơi và kéo dài tương tác, nhưng bà cũng nhấn mạnh là không thúc ép trẻ, vì theo bà, trẻ tự kỷ “siêu nhạy cảm”.
Đó là một nghiên cứu nhỏ, họ đã rất khó tìm trẻ sơ sinh có các triệu chứng của tự kỷ. Nhưng những phát hiện của bà Rogers, được công bố trên Tạp chí Tự kỷ và Rối loạn Phát triển, đã mang lại hy vọng cho các bậc cha mẹ đang lo lắng về con mình. Tất nhiên chỉ với bảy trẻ sơ sinh trong nhóm điều trị, không thể kết luận được điều gì chắc chắn. Nhưng các hiệu ứng rất đáng kể, sáu trong số bảy trẻ đã phát triển kỹ năng học tập và ngôn ngữ bình thường vào thời điểm chúng được 2 đến 3 tuổi.
Thực ra kết quả của nghiên cứu này không có gì lạ, những gắn bó đầu đời luôn là yếu tố quan trọng trong sự phát triển về xã hội và cảm xúc của trẻ, trên thế giới hiện nay có nhiều chương trình tập trung vào giúp cha mẹ cải thiện các mối quan hệ đầu đời với trẻ, đó chính là một cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
Tôi thật sự biết ơn bà Rogers và các cộng sự vì nghiên cứu này đã đánh dấu sự chuyển hướng của tôi từ can thiệp hành vi sang cách can thiệp theo hướng phát triển. Rất nhiều các nghiên cứu của họ, cũng như các kiến thức cơ bản về PCIT (trị liệu tương tác giữa cha mẹ và con) mà tôi may mắn được học năm đầu tiên khi bước vào lĩnh vực này, đã tạo nền móng cho chương trình trị liệu chơi mà chúng tôi đang áp dụng hàng ngày với trẻ.
Nếu con bạn có các dấu hiệu như: Tập trung một cách khác thường/quá mức vào một số đồ vật, dành qúa nhiều thời gian thực hiện một hành động lặp đi lặp lại (ví dụ như lăn một vật), không bập bẹ những âm như mama, dada, tata giống các bạn cùng tuổi, ít các biểu hiện nét mặt hoặc ít tìm cách thu hút sự chú ý của cha mẹ, quan tâm đến các đồ vật nhiều hơn mọi người, bạn hãy dành thời gian CHƠI với con càng nhiều càng tốt, và nhớ là chơi theo sự dẫn dắt của con.
Chính việc chơi theo sự dẫn dắt của trẻ sẽ giúp trẻ kết nối với cha mẹ. Tôi rất thích câu nói này của bác sĩ Gabor Mate, tác giả cuốn sách “Hold on to your kids/Hãy quan tâm đến con cái của bạn”:
“Động lực cơ bản trong cuộc sống của con người và là yếu tố quan trọng nhất trong sự phát triển và tồn tại của con người là sự GẮN BÓ, KẾT NỐI với người khác. Ý tôi là khả năng hiện diện và hiểu, nhìn thấy một người chính xác họ là ai và chấp nhận con người họ, và mời họ đến với bạn vô điều kiện, theo đúng cách của họ, đó là tình yêu thực sự”.
Hoa Le
留言