top of page
Writer's pictureHoa Le

CHA MẸ THAY ĐỔI

Nghiên cứu của Lieberman và cộng sự (2015), nói về trường hợp một cậu bé ba tuổi đi học mẫu giáo thường ăn vạ, xô bàn ghế, đánh bạn, đôi khi bé nói với cô giáo “con sẽ bóp cổ cô”. Một lần, đang ngồi trong lớp và nhìn thấy vết sơn đỏ trên bàn, bé rời khỏi ghế, đi đến chỗ treo ảnh ba mẹ, rồi sờ vào tay mình và nói “không, không”.


Khi các nhà nghiên cứu phỏng vấn cha mẹ bé thì biết được rằng ở nhà bé chứng kiến bạo lực gia đình xảy ra liên tục, bé đã chứng kiến mẹ bị bóp cổ và có lần mẹ lấy dao cắt vào tay bị thương chảy máu.


Các nhà khoa học thần kinh cho chúng ta biết rằng những đứa trẻ sơ sinh trong hai năm đầu đời luôn đánh giá một cách vô thức về thế giới xung quanh hoặc là một nơi an toàn hoặc là một nơi đầy các mối đe doạ thông qua những trải nghiệm của mình.


Những sang chấn tâm lý thời kỳ này có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống xã hội và cảm xúc của chúng về sau. Sang chấn có thể là phản ứng của trẻ với các can thiệp y tế, tai họa, tai nạn và thất bại, các hành vi bạo lực,việc bị tấn công, sự mất mát, các căng thẳng độc hại triền miên, bị xâm hại, bị bỏ quên, bạo lực gia đình…


Nhiều trẻ đến với tôi đã trải qua những sang chấn như vậy, mới đây nhất một bé trai 6 tuổi đến với bố mẹ, bé đã được chẩn đoán là rối loạn cảm xúc. Suốt một giờ liền bố và mẹ không hề nói chuyện với nhau, và tôi cũng không thấy họ nhìn nhau. Người mẹ cho biết là từ khi bé được một tháng, bố mẹ đã luôn luôn căng thẳng với nhau, hầu như bữa cơm nào cũng là một cuộc tranh cãi, hai đứa con của họ phải sống trong sợ hãi từ ngày này qua ngày khác. Cô con gái lớn mỗi khi ngồi vào bàn ăn là đều nói “mẹ ơi mẹ cố gắng đừng cãi lại bố hôm nay nhé” và rồi khi bố mẹ lại cãi nhau thì cô bé khóc.


Khi tôi hỏi mẹ nghĩ nguyên nhân nào dẫn đến các triệu chứng rối loạn cảm xúc của con thì mẹ nói “chắc là do bố mẹ cãi nhau”. Tôi nhìn thấy sự căng thẳng trong cách nói chuyện, trên nét mặt của người mẹ và tôi nhớ đến rất nhiều cha mẹ khác tôi đã gặp, có vẻ như họ đã sống trong căng thẳng một thời gian quá dài (nhiều người bắt đầu căng thẳng từ lúc con có chẩn đoán rối loạn phát triển) và căng thẳng trở thành trạng thái “bình thường” của họ. Chính vì vậy mà họ dễ cáu giận, dễ bùng nổ, chỉ cần một điều bất như ý nhỏ xảy ra là họ có thể mất kiểm soát.


Có những cách có thể giúp cho bé điều chỉnh cảm xúc tốt hơn, dần thoát khỏi ảnh hưởng của những sang chấn, nhưng nếu bé vẫn phải hàng ngày chứng kiến bố mẹ mình giận dữ với nhau thì bất kỳ điều gì chúng ta làm với bé cũng giống như chúng ta đang cố tẩy những chất độc sẵn có trong người bé trong khi những chất độc mới lại vẫn đang được đưa vào, liệu có tác dụng hay không?


Sự thay đổi thật sự chỉ có thể xảy ra với trẻ khi cha mẹ thay đổi, nếu một chuyên gia nào đó nói với cha mẹ của trẻ đặc biệt rằng: bạn không cần làm gì cả, cứ giao con cho tôi, tôi sẽ giúp bé vượt qua mọi thử thách của rối loạn phát triển, hãy đừng tin họ, trừ khi bạn sẵn sàng từ bỏ con mình.


Barry Kaufman, cùng với vợ là Samahria Kaufman sau khi giúp con trai và một số gia đình khác cùng con vượt qua được các thách thức của tự kỷ, đã nói về chặng đường đó như một cuộc trèo núi:


“Cuộc trèo núi này sẽ dễ dàng? Nó sẽ đòi hỏi nhiều năng lượng và sức sống của bạn! Cuộc trèo núi này sẽ nhanh chóng? Trời ơi, bạn nghe này, nếu chúng tôi có thể tìm cách cho nó nhanh chóng giống như một viên thuốc hay gì đó, tôi sẽ làm tất cả để giúp bạn được nhanh chóng, nhưng tôi cho bạn biết là có lẽ đó sẽ là một chặng đường dài, nhưng nó sẽ rất đẹp, sẽ gây cảm hứng, nó sẽ tạo ra một cấp độ tuyệt vời của sự sẻ chia và kết nối giữa bạn và gia đình với con của bạn, điều mà bạn chưa bao giờ trải nghiệm được trong cuộc đời mình.”

Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến những cha mẹ của trẻ đặc biệt, những người đang trèo núi hàng ngày và hy vọng các bạn trải nghiệm được sự kết nối đó.


Hoa Le

31 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page