top of page
  • Writer's pictureHoa Le

CÂU CHUYỆN VỀ LOẠI BỎ ĐỘC TỐ


Patricia Lemer, qua 45 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ tự kỷ đã cho chúng ta những lời khuyên liên quan đến các độc tố môi trường như sau: 

Hãy đảm bảo trẻ không ở gần những người hút thuốc lá hoặc thậm chí là những người mặc quần áo có mùi thuốc lá.

Nếu được, hãy cho trẻ sống ở những nơi không dùng vật liệu xây dựng có amiăng hay sơn có chì. Có thể chọn bần, tre và các loại sàn nhà tự nhiên thay cho thảm, sàn nhà chứa hoá chất. Với côn trùng dùng các sản phẩm tự nhiên như lá nguyệt quế diệt gián, hạt tiêu diệt kiến…

Sử dụng các sản phẩm tẩy rửa không độc hại. Dùng xà phòng không có độc tố cho máy rửa bát, máy giặt, chất tẩy rửa nhà tắm, hiện tại có rất nhiều công thức cho sản phẩm tẩy rửa gia dụng được làm từ dấm, baking soda, nước chanh, vừa tốt cho gia đình bạn vừa tốt cho môi trường.

Hãy ra ngoài trời, mở cửa sổ, kể cả vào mùa đông, và để trẻ có thể tiếp xúc với ánh sáng và các kích thích tự nhiên càng nhiều càng tốt, ra ngoài sẽ cho cơ thể thêm vitamin D, loại vitamin vô cùng quan trọng cho sức khỏe. Mối liên quan giữa thiếu vitamin D và tự kỷ được nói đến rất nhiều trong các nghiên cứu y sinh.

Sử dụng quần áo và chăn gối tự nhiên, mua đồ hữu cơ bất cứ khi nào có thể, tránh các sản phẩm có chứa chất chống cháy, tốt nhất là mua chăn đệm bằng bông hữu cơ. Cẩn thận với phthalates và đồ nhựa. Hãy đọc kỹ số trên các sản phẩm nhựa, tránh các số #3,6,7 (trên các túi, bọc, đồ chơi, hộp, chai nước…) là những loại có thể đem hoá chất độc hại vào thức ăn và đồ uống.  

Giảm phơi nhiễm EMF, bạn có thể mua máy đo từ trường để đo EMF ở nhà. Cho trẻ tránh xa những phòng “nóng” như phòng máy tính. Bỏ hết các thiết bị điện và không dây ra khỏi phòng ngủ, bao gồm TV, máy tính, điện thoại và dây sạc, hãy dùng đồng hồ báo thức chạy pin. Tắt wifi khi đi ngủ, hay tốt hơn nữa là chuyển sang internet có dây. Không bao giờ để máy tính trên đùi của bạn. Sử dụng điện thoại cầm tay ít nhất có thể. Cố gắng đừng sử dụng trong xe hơi. Ở nhà nên dùng điện thoại có dây. 

Đầu tư vào máy lọc không khí sau khi đã thực hiện các bước loại bỏ độc tố. Tóm lại hãy THAY THẾ ĐỘC TỐ BẰNG NHỮNG ĐỒ TỰ NHIÊN, KHÔNG ĐỘC HẠI. Bạn chỉ cần thay từ từ, sau 1 năm thôi nhà bạn sẽ trở thành ngôi nhà “xanh”.

Tôi còn nhớ câu chuyện của phụ huynh có con tự kỷ đầu tiên của mình, đó là năm 2010, khi tôi nhận kèm một cậu bé mẫu giáo ở một trường quốc tế tại HCMC. Lúc đó tôi đang làm cho tổ chức hỗ trợ giáo dục đặc biệt của Anh, và cậu bé đến với chúng tôi vì các “hành vi thách thức”, cậu thường xuyên đánh bạn và không nghe lời thầy cô. Chính nhờ cậu mà tôi được học trị liệu chơi tương tác giữa cha mẹ và con PCIT. Sau một thời gian áp dụng trị liệu này tại nhà và trung tâm cho cậu bé, tôi được cử đến trường làm giáo viên đi kèm. Nhưng càng dành thời gian với cậu bé, tôi càng nhận ra, ngoài những “hành vi” mà tôi được yêu cầu giúp cậu thay đổi, cậu hình như không có khả năng đọc các tín hiệu giao tiếp xã hội và không thể điều chỉnh cảm xúc của mình, cậu dường như bị quá tải khi các bạn nói chuyện hay chạy nhảy xung quanh. Mỗi khi ra khỏi lớp, cậu luôn phải đi qua vườn hoa của trường để hái một bông. Cậu bé lúc đó 5 tuổi nhưng không thể ngồi yên trong circle time (giờ sinh hoạt chung) được hơn 5 phút, tôi biết cậu rất thông minh nhưng khi cô giáo hỏi thì cậu không bao giờ trả lời.


Suy nghĩ rằng cậu bé có thể có tự kỷ lớn dần trong tôi, và trong một lần mẹ đến trường đón cậu và nhìn thấy chúng tôi đang hái hoa, mẹ cậu hỏi tôi “chị thấy bé thế nào”, tôi đã buột miệng “chị nghĩ bé có một số dấu hiệu của tự kỷ em ạ”. Là một phụ nữ rất năng động, tốt nghiệp đại học ở Mỹ, lúc đó đang là phó tổng giám đốc của một công ty nước ngoài, mẹ của bé ngay lập tức bắt đầu tìm hiểu về tự kỷ và chỉ một thời gian ngắn sau đã kết nối được với nhiều cộng đồng cha mẹ của trẻ tự kỷ trên thế giới. Cuối năm học, mẹ cậu bé thông báo với tôi là đã cho bé kiểm tra kim loại nặng và dị ứng, kết quả là lượng thủy ngân trong người bé nhiều hơn 97% ngưỡng cho phép, và bé dị ứng với 43 loại thực phẩm.


Việc tiếp sau đó mẹ cậu bé làm là thay đổi đồ đạc trong nhà, bỏ hết những gì có thể có hóa chất độc hại, chuyển chế độ ăn sang organic, bố mẹ thì ăn chay hoàn toàn. Tôi vô cùng khâm phục sự quyết tâm của mẹ cậu bé. Sau năm học đó tôi không còn kèm cậu bé nữa nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với mẹ, tôi cũng nhiều lần gặp cậu ở trường cấp 1, nơi tôi thỉnh thoảng đến làm việc. Có một lần đang đi trong hành lang, tôi nghe thấy “con chào cô Hoa”, quay lại thì tôi không còn nhận ra cậu bé hay đánh bạn ngày nào, thay vào đó là một cậu bé điềm tĩnh đang nhìn tôi cười rất tươi. Thời gian đó cậu vẫn còn có chút khó khăn với môn tiếng Việt ở trường, và mẹ cậu nhắn với tôi rằng mặc dù trước đó 1 năm cậu đã được chính thức chẩn đoán là tự kỷ chức năng cao, nhưng mọi hành vi “cần can thiệp” của cậu đã hết, và cuối năm lớp 4 thì cậu không còn cần giáo viên đi kèm nữa.


Tôi mời mẹ cậu đến nói chuyện với các phụ huynh của Gánh Xiếc cuối năm 2018, lúc đó cậu đã là một học sinh lớp 7, hoà nhập hoàn toàn không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào, thậm chí rất giỏi toán và thỉnh thoảng mẹ cậu lại chia sẻ cho tôi những video cậu biểu diễn piano ở trường. Tôi còn nhớ mẹ cậu đã khuyên mọi người nên mua máy lọc không khí và trồng cây xanh trong nhà, và giảm độc tố đến mức tốt nhất có thể. Cùng với rất nhiều chứng cớ đến từ các gia đình khác, mẹ cậu bé giúp tôi tin rằng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể và môi trường của trẻ tự kỷ có thể cải thiện tự nhiên nhiều hành vi thách thức và giúp trẻ sống vui vẻ, khỏe mạnh.


Hoa Le

Recent Posts

See All

Comentarios


bottom of page