Trước đây các chuyên gia và mọi người nghĩ rằng trẻ tự kỉ không thể hiện cũng như không nhận biết được các cảm xúc khác nhau, bây giờ thì chúng ta biết rằng điều đó hoàn toàn không đúng. Thực ra nếu chúng ta đọc sách của những người tự kỷ viết, hay nghe họ nói thì sẽ biết là trẻ tự kỷ có những nỗi sợ và lo lắng về rất rất nhiều thứ khác nhau. Để biết được hết những cái gì làm cho con tự kỷ của bạn lo lắng thật sự là một thách thức, đặc biệt nếu như chúng không có khả năng sử dụng lời nói. Patricia Lemer đã tóm tắt một số căng thẳng cảm xúc sau đây:
BỊ CƯỜI NHẠO VÀ BẮT NẠT là những nỗi sợ lớn nhất của trẻ tự kỉ. Chúng là những mục tiêu dễ dàng của những kẻ bắt nạt bởi vì trẻ tự kỷ ngây thơ, giao tiếp kém và rất trung thành với các quy tắc. Khi trẻ tự kỷ bị bắt nạt chúng thường không kể với ai bởi vì chúng không muốn lại bị cười nhạo hoặc làm cho xấu hổ. Và trong nhiều trường hợp trẻ tự kỷ có thể không nhận ra được kẻ bắt nạt và nghĩ kẻ đó là bạn mình, chúng dễ bị lôi kéo vào những trò chơi hoặc những nơi nguy hiểm.
Sự LO LẮNG KHI PHẢI ĐẾN BÁC SĨ răng, bác sĩ mắt, hoặc là nhìn thấy những con côn trùng ở sân chơi. Tất cả những điều này có thể đem lại những căng thẳng cảm xúc cho trẻ tự kỷ, và thật không may là cha mẹ và các thầy cô không thể đoán hết được mọi trải nghiệm căng thẳng có thể xảy ra với trẻ.
Nhiều trẻ tự kỉ nhỏ có thể rất SỢ HÃI khi nhìn thấy nước xoáy trong bồn cầu khi xả, hoặc nghe tiếng máy làm khô tay trong các nhà vệ sinh công cộng, tiếng chuông trường, tiếng còi cứu hỏa hoặc tiếng máy hút bụi, máy sấy tóc, máy cắt cỏ...
Sự CĂNG THẲNG TRONG GIA ĐÌNH có một đứa trẻ tự kỷ thường ở mức cao và trong một số gia đình thì anh chị em của trẻ tự kỉ bực tức với chúng và trở nên chống đối bởi vì chúng chiếm hết mọi thời gian của cha mẹ.
“CẢM GIÁC KHIẾM KHUYẾT” HOẶC “BỊ ĐỔ VỠ “có thể theo trẻ tự kỷ cả đời làm cho chúng rất mất tự tin. Nhiều trẻ tự kỷ đã được can thiệp trong một thời gian và có thể hòa nhập nhưng khi đến tuổi dậy thì chúng lại chùn bước, chúng muốn được chấp nhận như chính con người mình và không đồng ý để cho ai “sửa” những “khiếm khuyết” của chúng.
Cha mẹ có thể dùng các kĩ thuật cảm giác để làm dịu các cảm xúc của trẻ, những kỹ thuật như kéo khớp hoặc dùng bàn chải cảm giác là những kỹ thuật can thiệp đơn giản có thể làm dịu hệ thần kinh đang bị quá tải của trẻ. Đặc biệt cha mẹ có thể giúp trẻ bằng cách đem lại CẢM GIÁC AN TOÀN VÀ ĐƯỢC CHẤP NHẬN cho trẻ bất cứ khi nào có thể.
Hãy báo trước cho trẻ mỗi khi đến một nơi mới, gặp người lạ hay là những tình huống mới. Biết trước những gì sẽ xảy ra sẽ làm cho trẻ cảm thấy an toàn và yên tâm hơn. Trong một số trường hợp có thể cần cho trẻ tránh một số nơi và những người có thể làm trẻ quá tải để ngăn ngừa những cơn bùng nổ cảm xúc. Có thể cho trẻ đeo tai nghe đến những nơi ồn ào.
Để giúp trẻ tránh các căng thẳng cảm xúc chúng ta cần YÊU TRẺ TỰ KỶ VÔ ĐIỀU KIỆN.
Nhiều cha mẹ của trẻ tự kỉ trên thế giới đã nói rằng có con tự kỷ là một điều tốt đẹp nhất xảy đến với họ, giúp cho họ phát triển và học về bản thân họ, họ đã học cách trải nghiệm niềm vui không phải chỉ trong những thời điểm đặc biệt, nhưng cả trong cuộc sống hằng ngày. Rất nhiều người đã có khả năng vượt qua những thách thức và trân trọng một thế giới khác biệt, cái thế giới đã kết nối họ với cha mẹ khác cùng chung những vật lộn, những hi vọng và những mơ ước giống nhau. Điều quan trọng là phải yêu trẻ một cách vô điều kiện và trong thời kỳ trẻ dậy thì điều này còn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Hãy hoàn toàn hiện diện khi tương tác với con bạn, tắt điện thoại di động, máy tính và tập trung vào những gì con đang làm, bằng cách đó bạn gửi con thông điệp “những gì con đang làm là quan trọng đối với bạn” và giúp con điều chỉnh cảm xúc.
Hoa Le Trích từ sách “Outsmarting Autism”
Kommentare