top of page
  • Writer's pictureHoa Le

CẢM XÚC ÔN HÒA CỦA NGƯỜI MẸ

Updated: Jul 3, 2021

Có một kiểu giáo dục con cái vĩ đại, để các con dần dần lớn lên, dần dần trưởng thành cả về thể chất lẫn tâm hồn, đó chính là sự “ôn hòa” của người mẹ.

Đây là câu trích dẫn từ bài báo “Sự giáo dục vĩ đại nhất là “cảm xúc ôn hòa” của người mẹ” mà tôi tình cờ đọc được khi các con của tôi đã không còn ở nhà với tôi nữa, và tôi cứ ước giá mà tôi biết điều này sớm hơn, chắc các con tôi đã có những năm tháng tuổi thơ hạnh phúc vui tươi hơn nhiều.


Những năm gần đây số trẻ tự kỷ, tăng động, số trẻ vị thành niên tự tử, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế,… tăng lên rất nhanh và đã có nhiều bác sĩ, các nhà trị liệu, các nhà tâm lý đã lên tiếng về sự thiếu kết nối với những người thân yêu do các căng thẳng mang đến, đặc biệt là SỰ CĂNG THẲNG CỦA CHA MẸ.


Tiến sĩ Porges đã giúp chúng ta hiểu cách cơ thể phản ứng với căng thẳng như thế nào qua học thuyết nổi tiếng Polyvagal của ông. Con người chỉ có thể kết nối vói ngừoi khác khi không có điều gì đe doạ sự an toàn của họ, khi họ không bị căng thẳng.

Theo Clair Wilson, một nhà trị liệu và là tác giả cuốn “Grounded”: Sự an toàn của một đứa trẻ đến từ bốn nguồn chính: cơ thể, cách người khác giao tiếp với trẻ, môi trường và trạng thái thần kinh của những người xung quanh trẻ. Chúng ta thường tập trung vào việc ăn ngủ và chăm sóc cơ thể cho con cũng như cố gắng cho con sống trong những điều kiện tốt nhất, nhưng ít chú ý hơn đến cách giao tiếp với con và đặc biệt là trạng thái cảm xúc của chúng ta khi ở bên con.


Cuộc sống hiện đại đem đến rất nhiều căng thẳng cho các cha mẹ, nhiều lúc chúng ta khó chịu, không thoải mái, tức giận, buồn vì công việc, đối tác, vì vợ hoặc chồng, cũng có thể chúng ta quá lo lắng vì một hành vi nào đó của con mà chúng ta vừa chứng kiến, hoặc lo lắng triền miên về tương lai của con (đặc biệt là trong trường hợp trẻ tự kỷ hoặc tăng động), điều này chẳng có gì sai trái cả. Nhưng khi trẻ ở bên chúng ta, trẻ không thể hiểu là có thể chúng ta làm như vậy vì có những điều làm chúng ta căng thẳng, trẻ chỉ biết rằng trẻ nhìn sang chúng ta và thấy một con người tức giận. Và trẻ sẽ thấy bất an, trẻ sẽ tránh chúng ta, dần dần mất đi sự kết nối.


Trẻ tự kỷ thường bị quá tải bởi các kích thích, và luôn ở trong trạng thái lo lắng: Liệu người này có làm cho mình an toàn không? Có thể bạn sẽ nói rằng: không, tôi giấu hết các cảm xúc của mình khi ở bên trẻ, nhưng một điều chúng ta nên biết rằng “ thậm chí nếu chúng ta muốn che giấu cảm xúc, trẻ vẫn cảm nhận được”. Bạn đã cố gắng thật tốt để không thể hiện các cảm xúc tiêu cực đó, nhưng chắc chắn chúng vẫn rò rỉ, chắc là bạn biết rõ mà, bạn đã ở bên trẻ bao nhiêu tháng ngày, trẻ rất nhạy bén trong những tình huống này. Bạn không thể lừa trẻ được đâu, chẳng ai lừa được trẻ. Và trẻ sẽ thấy đó là điều đe doạ mình và không thân thiện. Bạn sẽ nhận được nhiều hành vi lặp đi lặp lại, ít tương tác hơn, không phải là trẻ cố tình gây khó dễ cho bạn đâu, trẻ chỉ muốn bảo vệ mình thôi.


Ngoài việc chấp nhận con, nghe sâu sắc, hãy cố gắng dành thời gian cho chính mình và làm những gì có thể để giữ cho cảm xúc của bạn được ôn hoà, điều này sẽ giúp bạn đạt được sự THOẢI MÁI VÀ HOÀN TOÀN HIỆN DIỆN khi ở bên con.


Tôi cũng muốn gửi thông điệp của bài báo này đến các ông bố, cảm xúc ôn hoà của các bạn cũng rất quan trọng đối với con và đặc biệt là sự hỗ trợ của các bạn đối với nửa kia của mình để họ có thể thực hiện tốt nhất vai trò của mình trong nuôi dạy con.


Hoa Le

91 views0 comments

Recent Posts

See All

コメント


bottom of page