Một cô bé 5 tuổi người Mỹ và một cậu bé 3 tuổi người Anh luôn ở gần nhau trong buổi tiệc sinh nhật tôi được tham dự tối qua, nhưng ngoài những chuyển động không ngừng của chúng, phần lớn thời gian chúng cắn nhau, đẩy nhau, hét, khóc. Và mỗi lần điều đó xảy ra, cha hoặc mẹ của một bé lại lôi bé đó ra ngoài và “nói chuyện”: “Tại sao con lại cắn bạn, con biết là con không nên làm thế đúng không” hoặc “Khi chơi với bạn chúng ta không làm gì nhỉ? Không được đẩy bạn đúng không”…
Nhưng những hành vi thách thức này không hề có xu hướng giảm cho đến cuối buổi tiệc. Tôi tự hỏi có bao giờ cha mẹ của chúng nghĩ tại sao “nói chuyện” lại không có tác dụng, nếu kể cả con họ “biết” là không nên cắn hay đẩy bạn, liệu chúng đã đủ khả năng áp dụng hiểu biết đó vào các tình huống xã hội hay chưa?
Khi làm việc với giáo viên về các hành vi thách thức của trẻ trong trường học, tôi nhận thấy một phương pháp mà hầu hết ai cũng sử dụng đó là cho trẻ một danh sách những yêu cầu về hành vi (tập trung làm bài, nghe lời thầy cô, không ngắt lời ngừoi khác, ngồi yên tại chỗ, không đánh bạn…), yêu cầu trẻ học thuộc danh sách này, rồi dùng một bảng “đánh dấu hành vi” (behavior chart), thưởng nếu trẻ thực hiện được các hành vi mong muốn, và nếu không được thì phạt, tức là hoặc không cho trẻ ra chơi, hoặc bắt trẻ lên gặp thầy hiệu trưởng, hoặc bố mẹ phải đến đón về...
Cuốn sách “Beyond Behavior” (tạm dịch là Phía bên kia Hành vi) của Tiến sĩ Tâm Lý Mona Delahooke, có đoạn: một giáo viên tâm huyết đã làm cho Liam những cuốn sách có hình ảnh đẹp về các gợi ý cho bé thực hiện khi căng thẳng, “Liam’s calm down book” (sách giúp Liam bình tĩnh). Nhưng cũng chỉ được vài ngày là các hành vi thách thức của Liam lại tái diễn.
Bà cho rằng các cách tiếp cận trên thất bại trong việc giúp trẻ giảm các hành vi thách thức, là do chúng không phù hợp với mức độ phát triển của trẻ. Một cuốn sách dạy trẻ bình tĩnh có thể sẽ có tác dụng với một trẻ có các kỹ năng xã hội cảm xúc ở mức cao hơn của Liam. Chúng ta không thể chỉ đơn giản là yêu cầu một đứa trẻ bình tĩnh lại và dùng lời nói thay cho hành vi xấu trừ khi nó có đủ khả năng (về mặt phát triển) để làm điều đó. Và nếu chúng ta chờ đợi trẻ làm một việc gì đó như kiểm soát các hành vi bốc đồng (nằm ngoài khả năng hiện tại của trẻ), sẽ dẫn đến sự hiểu lầm và thất vọng cho tất cả những người liên quan.
Một khảo sát của tổ chức Zero to Three (tạm dịch Từ 0 đến 3) chuyên bảo vệ sức khoẻ cho trẻ nhỏ, cho thấy rằng 56% cha mẹ tin rằng trẻ có thể kiểm soát để không làm những gì không được phép trước 3 tuổi, thậm chí 36% trong số đó tin trẻ 2 tuổi cũng có khả năng này. Thực tế là trẻ chỉ phát triển được khả năng này sớm nhất là lúc 3 tuổi rưỡi hoặc 4 tuổi.
Khảo sát này cũng nói rằng 43% cha mẹ nghĩ trẻ nhỏ có thể luân phiên và chia sẻ đồ chơi với bạn trước 2 tuổi, thực ra là đến 3 hoặc 4 tuổi các kỹ năng này mới phát triển đầy đủ. Những kỹ năng này được phát triển cùng với sự phát triển của não bộ và được thúc đẩy bởi sự tham gia xã hội tích cực với người lớn – đặc biệt là tương tác giữa trẻ với cha mẹ.
“Rất nhiều các chuyên gia về dạy con và các chuyên gia hành vi tập trung vào dạy trẻ phải cư xử tốt hơn, điều đó rất hay nếu như đứa trẻ đã sẵn sàng về mặt phát triển/thần kinh, nhưng nền tảng của việc giúp trẻ cần được xây dựng trên các TRẢI NGHIỆM YÊU THƯƠNG, AN TOÀN, VÀ SỰ KẾT NỐI TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ” - Mona Delahooke.
Hãy dành thời gian để yêu thương và kết nối với con!
Hoa Le
Commentaires