top of page
  • Writer's pictureHoa Le

BÓNG TỐI VS ÁNH SÁNG

Chúng tôi ở tuổi này hay nói chuyện về cha mẹ già của mình, những người đã ngoài 80 tuổi và đã hơn một lần tôi nghe thấy các bạn mình nói câu “tuổi già chán nhỉ”.


Thế nhưng cũng có những câu chuyện vô cùng dễ thương, ví dụ như chuyện một người cha của bạn tôi không tự phục vụ được những nhu cầu vệ sinh của mình. Con trai ông thường cho ông mặc bỉm mỗi lần ông cần đi vệ sinh, và có một lần ông không kịp nói con mặc bỉm và đi ra quần. Ông đã cười và nói với con “xin lỗi cậu tớ không kịp”.


Người bố trong câu chuyện này đã biến một tình huống có thể gây khó chịu cho con và cả bản thân mình thành một sự kiện hài hước, nhẹ nhàng. Tôi hỏi ra thì biết khi còn trẻ ông là người rất vui vẻ và luôn nhìn mọi thứ theo cách tích cực, hay nói theo ngôn ngữ của nội tâm là ông đi theo HƯỚNG ÁNH SÁNG.


Con người luôn có xu hướng tập trung vào các vấn nạn hay nói cách khác là đi theo HƯỚNG BÓNG TỐI khi họ muốn giải quyết chúng, như những đau đớn, tức giận, những nỗi sợ triền miên... Trong những câu chuyện với họ hàng nhân dịp Tết, tôi nhận thấy người thân của mình thường dùng từ “khổ” là chủ đạo: khổ thân chị A quá, già rồi mà không có con cháu bên cạnh, khổ thân bác M, con thì tốt nhưng nghèo quá, ông D đúng là khổ, vợ mất không có con....mặc dù nếu tính ra thì chị A, bác M, ông D cũng không đến nỗi nào so với nhiều người khác, và thật sự tôi không biết bản thân họ có thấy khổ như những gì mà người thân của tôi nói về họ hay không nữa. Khi chúng ta thấy ai đó khổ, thì nhiều khả năng là bởi vì bản thân chúng ta đang có những nỗi khổ mà có thể chúng ta không nhận ra một cách có ý thức, theo luật phản chiếu của vũ trụ.


Các bạn thân mến, khi đang ở trong một căn phòng tối, nếu muốn nó sáng lên, chúng ta có thể nỗ lực lấy bóng tối ra, vì tính chất nhị nguyên (có ánh sáng thì không còn bóng tối và ngược lại). Và đó là cách mà rất nhiều người già mà tôi biết đang cố gắng giải quyết những nỗi khổ của mình, họ dành phần lớn thời gian để nói đi nói lại những câu chuyện khổ đau, cùng những lời oán trách, than vãn. Một điều mà đứa trẻ lên ba cũng biết là để có ánh sáng chúng ta chỉ cần bật công tắc đèn lên, như cách người bố của bạn tôi ở trên đã thắp lên ngọn đèn của sự yêu thương, vui vẻ qua câu xin lỗi dí dỏm của mình.


Tôi vô cùng biết ơn người đã dạy tôi nguyên lý ánh sáng. Tôi tin rằng với nguyên lý này, tuổi già sẽ không nhất thiết phải là những tháng ngày “chán nhỉ” như nhiều người “sắp” già như chúng tôi vẫn nói với nhau.


Hoa Le

3 views0 comments

Recent Posts

See All

Opmerkingen


bottom of page