“Bố ơi, mẹ của Dana có ý gì khi gọi Raun là bi kịch?” - Cô chị gái 8 tuổi của Raun, cậu bé tự kỷ, hỏi bố sau khi đi chơi ở nhà bạn về. Và cô nhìn bố với một sự tập trung âu yếm khác thường. Có vẻ như cô đã cảm nhận được giọng điệu và thái độ của người nói chuyện về em cô.
Ông bố bảo cô bé rằng khi một người tin vào những điều gì đó xảy ra là tồi tệ hoặc kinh khủng, họ gọi nó là bi kịch, đó là cách họ miêu tả một điều sẽ làm họ khổ sở hoặc buồn nếu nó xảy ra với họ, ông nói vì Raun khác những đứa trẻ khác và có các hành vi khác thường nên họ nghĩ vậy.
Ông hỏi cô bé “con có nghĩ việc con em khác thường là tồi tệ hay đáng buồn không?”
“Không, con yêu Raun, con muốn được chơi với em giống như các bạn con chơi với em chúng nó, nhưng không sao, em rất dễ thương và buồn cười”.
Khi bạn biết mình có một đứa con đặc biệt, có thể bạn sẽ thấy đó là một “bi kịch” trong gia đình của mình, nhưng tôi biết có rất rất nhiều cha mẹ có con đặc biệt đã vượt qua được giai đoạn “bi kịch” và làm được những điều phi thường với con mình, giống như gia đình trong câu chuyện này.
Những cha mẹ này đã làm gì? Tìm được các chuyên gia giỏi, các trung tâm nổi tiếng? Dành hàng giờ với con trên bàn, trong phòng chơi, liên tục dạy con mọi lúc mọi nơi… Có thể họ đã làm tất cả những điều đó, tuy nhiên một điều mà họ có thể đã làm ngay để biến bi kịch thành hạnh phúc lại đỡ tốn công sức và thời gian hơn nhiều.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cha mẹ tạo cho mình niềm tin rằng có một đứa con đặc biệt không phải là một bi kịch, rằng họ có thể vẫn hạnh phúc kể cả khi chưa có câu trả lời cho tương lai của con họ?
Họ có thể hỏi mình các câu hỏi “tại sao mình cần con phải thay đổi các hành vi của nó thì mình mới thoải mái?”, “tại sao mình phải tin rằng mình chỉ có thể vui vẻ nếu con biết nói”, “tại sao hạnh phúc chỉ có thể là phần thưởng sau khi chúng ta có được cái mình muốn”.
“Chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi có thể có những mong muốn đặc biệt cho Raun, nhưng các mong muốn đó không phải là điều kiện quyết định mối quan hệ của chúng tôi với con. TỰ LÀM CHO MÌNH HẠNH PHÚC VÀ KHÔNG PHÁN XÉT– đó chính là nơi chúng tôi bắt đầu với Raun. Và mặc dù đây là thái độ xuyên suốt của chúng tôi, việc củng cố và nói nó ra thường xuyên đã giúp chúng tôi nhận biết tốt hơn quan điểm nền tảng trong cách tiếp cận với đứa con đặc biệt của mình” – Barry Kaufman, tác giả “Happiness is a choice” (Hạnh phúc là sự lựa chọn).
Hoa Le
Comments