top of page
  • Writer's pictureHoa Le

ÁP LỰC VÀ BÙNG NỔ

Cuối năm 2018 tôi sang Mỹ tham gia khoá học nâng cao của trung tâm điều trị tự kỷ ở Massachusetts, câu chuyện làm tôi nhớ mãi trong khoá học đó là về một cậu bé tự kỷ 5 tuổi. Bố mẹ mang cậu đến học tăng cường hai tuần tại trung tâm này, mỗi ngày các trị liệu viên sẽ thay nhau chơi trong phòng chơi trong khi bố mẹ cậu quan sát và học cách chơi. Trước đó ở nhà cậu thỉnh thoảng có dùng ngôn ngữ bằng lời với bố mẹ nhưng chỉ giới hạn trong 1-2 từ. Hai ngày đầu cậu không tương tác với ai trong phòng chơi, đặc biệt là cậu chỉ làm đúng một động tác, đó là di chuyển ngón tay trỏ trước mặt mình từ phải sang trái tạo thành hình vuông, cứ như thế từ giờ này qua giờ khác, không nói một từ nào. Các trị liệu viên vào với cậu mỗi người 2h, bốn lần một ngày và ai cũng làm đúng động tác cậu làm (hoà mình), không nói gì. Cho đến ngày thứ ba, khi một trị liệu viên tên Kim đang hoà mình với cậu, bỗng nhiên cậu tiến đến gần cô và nói “I love being here with you” (Con thích ở đây với cô lắm), một câu dài đầy đủ! Kim thốt lên sung sướng “cô cảm ơn con, cô cũng rất thích ở đây với con, con có thể cho cô biết tại sao con thích ở đây không?”, cậu bé mỉm cười trả lời “there is no pressure here” (ở đây không có áp lực nào cả)!


Đọc những gì trẻ tự kỷ viết, tôi mới biết chúng cảm nhận nhiều áp lực trong cuộc sống đến thế nào. Với những khác biệt của mình, chỉ cần thực hiện được các yêu cầu hàng ngày của một đứa trẻ liên quan đến giác quan, xã hội, nhận thức…cũng đã đủ làm cho trẻ tự kỷ tích tụ quá nhiều hóc môn căng thẳng. Các hành vi bùng nổ chính là phản ứng của trẻ đối với các sợ hãi, căng thẳng và lo lắng, là cơ chế “chạy trốn hay chống trả”. Cơ chế này được phát triển để giúp con người sống sót từ hàng nghìn năm trước, khi nguyên nhân chính gây ra sợ hãi, căng thẳng và lo lắng là đối mặt với kẻ thù hoặc các con thú săn mồi, và để sống sót, chúng ta phải chống trả để thoát khỏi khó khăn, tức là giết kẻ thù để ngăn nó giết chúng ta, hoặc bỏ chạy nhanh hơn nó có thể theo kịp. Mặc dù sống ở thế kỷ 21, nhưng cơ thể chúng ta vẫn được trang bị để phản ứng theo cách đó khi chúng ta cảm thấy áp lực (Stephen Porges, 1994).


Yvonne Newbold, người mẹ đã bỏ 10 năm để giúp con hết các hành vi bùng nổ bạo lực khuyên cha mẹ:


“Bạn không thể thay đổi hành vi của con bạn bằng cách bảo chúng thay đổi. Không ai trong chúng ta có thể thực hiện sự thay đổi ở bất kỳ ai khác, nó thường cần phải đến từ bên trong. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi cách bạn làm và cách bạn nghĩ về những điều liên quan đến cơn bùng nổ, và điều đó có thể có nghĩa là con bạn phản ứng hoàn toàn khác với cách hành động mới của bạn hoặc cách bạn nghĩ, và từ đó chúng cũng thay đổi hành vi của chính mình. Khi điều này lần đầu tiên người ta nói với tôi, tôi cảm thấy khó chấp nhận vì tôi cảm thấy mình bị đổ lỗi một lần nữa cho hành vi của Toby và tôi được cho rằng đó là lỗi của tôi vì tôi đã làm sai. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng hoàn toàn không phải như vậy, nhưng cách duy nhất để thay đổi hành vi của Toby là tôi thay đổi hành vi của mình trước. Vấn đề là nếu chúng ta tiếp tục làm những việc theo cách chúng ta vẫn luôn làm và chúng không hiệu quả, chúng ta sẽ nhận lại chính xác những kết quả không mong muốn bằng cách thực hiện mọi thứ theo cùng một cách. Hãy thử các cách tiếp cận khác nhau, có thể lùi lại thay vì tiếp cận một đứa trẻ trong lúc nó đang bùng nổ, hoặc xem liệu việc bạn hoàn toàn yên lặng có tạo nên sự khác biệt không? Hướng trẻ sang thứ khác đôi khi cũng có tác dụng, vì vậy bạn có thể thử làm điều gì đó hoàn toàn bất ngờ hoặc khác biệt. Hãy thử nghiệm những cách khác nhau, không chỉ khi cơn bùng nổ đang xảy ra mà còn vào những lúc khác, và kết quả là bạn có thể thấy những phản ứng khác nhau và có thể tích cực hơn ở con bạn”


Lại vẫn là thay đổi hành vi của cha mẹ để giúp con thay đổi, nhưng một điều cha mẹ có thể làm để ngăn chặn bùng nổ là NHẬN BIẾT VÀ GIẢM BỚT ÁP LỰC cho trẻ tự kỷ.


Hoa Le

Recent Posts

See All

Comments

Couldn’t Load Comments
It looks like there was a technical problem. Try reconnecting or refreshing the page.
bottom of page