top of page
Writer's pictureHoa Le

ĂN KIÊNG CHO TRẺ TỰ KỶ

Những chế độ ăn kiêng là nền tảng để cải thiện các chức năng cho tất cả trẻ tự kỷ. Gia đình của trẻ thực hiện các chế độ ăn kiêng phải vô cùng chịu khó. Họ sẽ phải nấu ăn hằng ngày vì không thể ăn ở ngoài hay phụ thuộc vào đồ chế biến sẵn.


Mọi thành viên của gia đình trẻ kể cả ông bà, bố mẹ hay chú, bác hay anh chị em họ, tất cả những người tiếp xúc với trẻ đều cần phải đồng lòng thực hiện chế độ ăn kiêng được chọn lựa cho trẻ thì mới có kết quả. Chỉ cần một người cảm thấy “thương” trẻ không được ăn kem hay bánh ngọt trong tiệc sinh nhật cũng có thể làm ăn kiêng mất tác dụng. Thậm chí tất cả các thầy cô, nhà trị liệu, giáo viên đi kèm cũng phải giúp trẻ tuân thủ.


Theo bà mẹ có con tự kỉ, Holly Bortfield, người thường xuyên viết blog về ăn kiêng cho tổ chức Talk About Curing Autism (Tiếng nói chữa lành tự kỷ), ăn kiêng có thể giúp trẻ tự kỷ: Cải thiện sức khỏe, Ăn được nhiều thức ăn hơn, Cải thiện giấc ngủ, Giảm bùng nổ và các hành vi khác, bao gồm tự hại và Tăng khả năng nhận biết nguy hiểm.


ALLERGY ELIMINATION DIET (CHẾ ĐỘ ĂN LOẠI BỎ DỊ ỨNG)

Một chế độ ăn loại bỏ dị ứng đơn giản chính là “loại bỏ những thức ăn có hại”. Bác sĩ Doris Rapp đã đề xuất chế độ ăn này với các gia đình có con tự kỷ trong vòng hơn năm mươi năm qua và đạt rất nhiều thành công. Với một số trẻ chỉ cần loại bỏ một hoặc hai loại thức ăn mục tiêu là đủ. Nhưng với phần lớn trẻ, cần phải thực hiện một kế hoạch đồng bộ và chặt chẽ, đặc biệt là khi các xét nghiệm dị ứng cho thấy chúng không chịu được nhiều loại thức ăn, ví dụ như ngô, đậu nành và trứng.


Nhóm trẻ rất cần chế độ ăn kiêng loại bỏ dị ứng này là những trẻ có lịch sử viêm tai. Một nghiên cứu nay đã trở thành kinh điển cho thấy viêm tai mãn tính đã hết ở 86% số trẻ tự kỷ sau khi sữa, bột mì, ngô, trứng, đậu nành và socola được loại bỏ khỏi chế độ ăn của chúng. Chức năng hô hấp và ngôn ngữ của những trẻ này cũng được cải thiện nhiều.


GLUTEN FREE CASEIN FREE (GFCF) – CHẾ ĐỘ ĂN KHÔNG BỘT MÌ KHÔNG SỮA BÒ

Một chế độ ăn kiêng cơ bản mà rất nhiều gia đình thực hiện là chế độ mà Karen Seroussi đề xướng 20 năm trước đây: không gluten và không casein GFCF. Nghiên cứu cho thấy khoảng 50% trẻ phản ứng với các sản phẩm có sữa bò cũng nhạy cảm với đậu nành, vì vậy họ khuyên không nên thay thế sữa bò bằng sữa đậu nành cho trẻ. Và nếu theo đuổi chế độ ăn này thì cũng nên loại bỏ tất cả những đồ có sữa đậu nành tức là thành GFCFSF (không bột mì, không sữa bò, không đậu nành). Sau Seroussi có rất nhiều các nghiên cứu phát hiện việc loại bỏ gluten và casein ra khỏi chế độ ăn có thể đem lại những khác biệt lớn cho trẻ tự kỷ, khoảng 91% trẻ có cải thiện về hành vi.


Hầu hết các bác sĩ đều khuyên nên thử chế độ ăn kiêng này ít nhất ba tháng, là khoảng thời gian đủ để các triệu chứng được cải thiện khi các opioid peptides (các chuỗi acid amin có tính gây nghiện) dần rời khỏi cơ thể trẻ.


Theo báo cáo của các chuyên gia can thiệp y sinh, khoảng một phần ba số trẻ tự kỷ trong các phòng khám của họ đã cải thiện rất nhiều, đến mức một số không còn tự kỷ nữa. Một phần ba khác thì cải thiện các triệu chứng phụ như ngủ tốt hơn, điều chỉnh tốt hơn nhưng vẫn còn tự kỷ. Và một kết quả ít được chờ đợi là ở một số trẻ tần số các cơn động kinh giảm nhiều với chế độ ăn GFCF. 80% Cha mẹ báo cáo rằng con của họ đã tiến bộ với chế độ ăn này, vì vậy rất nhiều bác sĩ tin rằng tất cả trẻ tự kỷ nên thử chế độ ăn không gluten không casein ít nhất ba tháng.


CHẾ ĐỘ ĂN FEINGOLD

Một bác sĩ khác đã nghiên cứu về thức ăn và hành vi từ giữa những năm 60 là bác sĩ Ben Feingold, người đứng đầu khoa dị ứng ở trung tâm y tế Kaiser Permanente ở San Francisco. Sau khi thấy thay đổi chế độ ăn tạo ra sự khác biệt lớn trong hành vi của những bệnh nhân người lớn, ông bắt đầu khám phá mối liên hệ giữa thức ăn và các chất phụ gia với hành vi của trẻ em.

Khi ông thực hiện chế độ ăn kiêng mà ông gọi là ‘chế độ ăn K-P” với các bệnh nhi trong phòng khám của mình, cha mẹ chúng bắt đầu báo cáo rằng không những vấn đề dị ứng của trẻ được cải thiện, hành vi của chúng cũng tốt lên nhiều. Tăng động, bốc đồng giảm dần trong khi sự chú ý và tập trung tăng lên.


Chế độ ăn K-P của Feingold ngày nay được gọi đơn giản là chế độ ăn Feingold. Nó loại bỏ tất cả các phẩm màu nhân tạo và các chất điều vị, các chất tạo ngọt tổng hợp, thuốc nhuộm, ba loại chất bảo quản BHA, BHT và TBHQ, và salicylates.


Jane Herdey, một bà mẹ “cựu chiến binh” theo chế độ ăn Feingold và là một tình nguyện viên, đã viết cuốn sách rất hay “Why can't my child behave? / Vì sao con tôi không ngoan?”, đây là sách nói về hiệu quả của chế độ ăn Feingold với trẻ có các vấn đề về học tập và hành vi, trong đó có trẻ tự kỷ. Có cả Feingold Association of the United States (FAUS), hay Hiệp hội Feingold Hoa Kỳ, trong đó các thành viên được hướng dẫn kỹ càng mọi thông tin liên quan đến chế độ ăn này, bao gồm thực đơn và công thức nấu ăn, cũng như danh sách thức ăn Freingold.


YEAST FREE DIET (CHẾ ĐỘ ĂN ĐỂ LOẠI NẤM RUỘT)

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường khuyên thực hiện thêm chế độ ăn để loại nấm ruột kèm theo chế độ ăn không gluten không casein và chế độ Feingold cho trẻ tự kỷ. Chế độ ăn này loại bỏ những chất phụ gia, những chất gây dị ứng, các sản phẩm và đồ nướng có gluten và casein, tức là tất cả các loại bánh mì, bánh ngọt, bánh quy, bánh ga tô... bởi vì chúng đều chứa rất nhiều đường. Khoảng 60% cha mẹ báo cáo hành vi của trẻ được cải thiện sau khi áp dụng chế độ ăn này.


Bác sĩ William Shaw đã tìm thấy lượng rất lớn độc tố nấm ruột trong nước tiểu của trẻ tự kỷ. Vì vậy chế độ ăn để loại nấm ruột đã trở nên phổ biến ở trong can thiệp y sinh cho trẻ tự kỷ. Đầu tiên là loại bỏ đường, vì đường nuôi nấm ruột. Nấm ruột sẽ lên men đường thành rượu làm cho trẻ có những hành vi như giống như say, nôn nao, không tập trung, hoặc tăng động.


Khi một người ăn quá nhiều đường hay khi hệ miễn dịch yếu nấm ruột sẽ phát triển rất nhanh, trừ hai loại đường tự nhiên là Stevia và xylitol không làm tăng nấm. Thứ hai là bổ sung lợi khuẩn (probiotic), đây là phần quan trọng của chế độ ăn này. Lợi khuẩn là những vi khuẩn tốt trong đường ruột, thường bị phá hủy bởi kháng sinh, độc tố và kim loại nặng. Lợi khuẩn tự nhiên có trong một số đồ ăn lên men như sữa chua hoặc saurekraut (một dạng bắp cải muối).


Với nhiều trẻ tự kỷ, chỉ cần loại bỏ đường và bổ sung lợi khuẩn là đủ cho cân bằng đường ruột. Với một số trẻ có thể cần thêm các chất (antifungals) để diệt nấm candida và những nấm ruột khác. Có thể dùng các chất kháng nấm tự nhiên như dầu oregano, tỏi, chiết xuất lá cây oliu...và nhiều loại thảo dược khác, nhưng trong những trường hợp nặng có thể cần đến thuốc kháng nấm được bác sĩ kê đơn như nystatin, diflucan và nizoral.


CHẾ ĐỘ KETO

Được bắt đầu biết đến năm 1921, điều trị động kinh từ năm 1970 và hiện được khuyên dùng cho trẻ tự kỷ. Đây là chế độ ăn 70% chất béo, 25 % chất đạm và chỉ 5% chất bột. Các bác sĩ và là các chuyên gia tự kỷ Martha Herbert và Julie Ann Buckley đã nghiên cứu chế độ ăn Keto năm 2013. Họ sử dụng chế độ ăn không gluten không casein kèm theo keto cho một cô bé 12 tuổi có tự kỷ và động kinh ở tuổi dậy thì, kết quả là cô bé đã chuyển từ tự kỷ rất nặng sang không còn tự kỉ và IQ (chỉ số thông minh) của cô tăng lên 70 điểm trong vòng 14 tháng. Những chất béo chính cô bé ăn là từ dừa và dầu dừa, không phải bơ hay kem.


Nhiều chất béo có lợi cho điều trị giảm các cơn động kinh và đồng thời tốt cho sự phát triển của não, có thể đó là lý do chế độ ăn này có thể hiệu quả với trẻ tự kỷ.


CHẾ ĐỘ ĂN ÍT FODMAP

FODMAD là tên viết tắt của Fermentable, Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides và Polyols. Tất cả những từ nghe rất phức tạp này đều đại diện cho ĐƯỜNG, thứ khó tiêu hóa ở một số người. Vì khó tiêu hóa, chúng sẽ nằm rất lâu ở trong ruột non, trở thành thức ăn cho các vi khuẩn và nấm ruột chứ không nuôi chúng ta. Trong đường ruột không cân bằng của trẻ tự kỷ thì ăn những thức ăn có nhiều đường làm trầm trọng thêm sự thiếu cân bằng, làm sản sinh quá nhiều nấm ruột, gây viêm nhiễm và rò rỉ đường ruột.


Chế độ ăn này được phát triển ở Úc, lúc đầu là để chữa các bệnh về đại tràng nhưng bây giờ đã trở thành chế độ ăn cho một số người tự kỷ. Nó là chế độ ăn không gluten, nhưng vẫn có sữa và đậu nành.


Muốn theo đuổi chế độ ăn FODMAP đòi hỏi phải dùng một số thức ăn thay thế như soba hoặc kiều mạch thay cho mì ống, hoặc là những loại kem sữa chua hay kefir không chứa lactose (một loại đường có trong sữa). Chế độ ăn này yêu cầu các gia đình phải làm việc với một chuyên gia dinh dưỡng.


CHẾ ĐỘ ĂN ÍT OXALATE

Oxalate và oxalic acid là các axít hữu cơ đến từ ba nguồn: thức ăn, nấm như aspergillus, penicillum và có thể cả candida, và đến từ sự trao đổi chất bình thường của con người. Oxalic acid là một loại axít mạnh nhất, các kỹ sư cơ khí còn dùng nó để loại bỏ gỉ sắt từ bộ tản nhiệt của ô tô. Một số thức ăn nhiều oxalate là cải bó xôi, củ dền, socola, đậu phộng, cám lúa mì, hạt điều, hạnh nhân, hạt hồ đào, các loại quả như dâu, việt quất. Thịt cá không có nhiều oxalate.


Với trẻ tự kỉ thì việc quá nhiều nấm ruột do sử dụng kháng sinh có thể làm tăng lượng oxalate. Khi trong cơ thể trẻ có nhiều thủy ngân, lượng oxalte cao làm chậm quá trình thải độc thủy ngân. Nhà nghiên cứu Susan Owens cho rằng việc sử dụng chế độ ăn ít oxalate có thể làm giảm các triệu chứng của tự kỷ. Năm 2005 bà đã sáng lập ra dự án Oxalate Tự kỷ dưới sự bảo trợ của Viện Nghiên cứu Tự kỷ.


Nghiên cứu của Owens cho thấy những người tự kỷ có nhiều hơn năm đến sáu lần lượng oxalate của người bình thường trong nước tiểu. Kết quả của chế độ ăn ít oxalate là trẻ tập trung hơn, bình tĩnh hơn, các kỹ năng vận động tinh và thô tốt hơn, ngủ tốt hơn, ngôn ngữ thể hiện và ngôn ngữ tiếp nhận tốt hơn, tương tác xã hội tốt hơn, giảm các hành vi tự hại và đái dầm.


CHẾ ĐỘ ĂN REID (ÍT GLUTAMATE)

Tiến sĩ sinh hóa Katie Reid, bà mẹ đã tìm ra mối liên quan giữa glutame (chất chính trong bột ngọt) và các triệu chứng tự kỷ của con gái mình, là người phát minh ra chế độ ăn này và nhờ nó bà đã giúp con vượt qua tự kỷ. Chế độ ăn Reid bao gồm 75 % thức ăn là các loại rau nhiều chất xơ, 15 % đạm và chất béo, 10 % là các chất bột và trái cây. Và thức ăn chính cần loại bỏ là các thức ăn đã qua chế biến có chứa glutame hoặc các loại chất kích thích khác.


CHẾ ĐỘ ĂN SCD (SPECIFIC CARBOHYDRATE DIET)

Chế độ ăn này cũng được tạo ra bởi một nhà sinh hóa và sinh học tế bào Elaine Gottschall, người đã chữa cho con mình khỏi viêm loét đại tràng. Chế độ ăn này đã đi xa hơn chế độ ăn không gluten, không casein và loại bỏ nấm ruột một bước và được khuyên dùng cho người tự kỷ. Mục tiêu là để chấm dứt vòng nguy hiểm của sự kém hấp thu và quá nhiều vi khuẩn bằng cách loại bỏ một số vi khuẩn và những loại thức ăn nuôi vi khuẩn.

Chế độ ăn SCD bắt đầu bằng một đến hai tuần chỉ ăn chất đạm và một số loại tinh bột hạn chế bao gồm: • Các loại trái cây và rau tươi, đậu, thịt tươi, cá và gia cầm, phomat tự nhiên, oliu, dầu dừa và mật ong. Tất cả trái cây và rau củ cần phải gọt, bỏ hạt và nấu chín. • Cấm tất cả các loại tinh bột phức tạp, ngũ cốc, thịt đã chế biến, các sản phẩm có đậu nành, sữa bò, đường và rau củ hay trái cây đóng hộp. • Ăn thêm sữa chua làm từ sữa dê, một nguồn vi khuẩn tốt.


Các loại hạt trái cây thô và rau sống như xà lách, cà rốt, cần tây và hành không được ăn ở thời điểm này nhưng có thể ăn sau.

Trong rất nhiều năm, Judy Chinitz đã tìm cách giúp cho con trai Alex, một cậu bé suốt ngày kêu gào vì đau đớn, không ngủ, luôn di chuyển, luôn tự cắn và cào cho đến khi chảy máu, tiêu chảy và nôn. Bà đã thử tất cả mọi cách điều trị y tế và các chế độ ăn bác sĩ khuyên nhưng không thành công. Cuối cùng, bà tìm được SCD và “ chế độ ăn đó đã cứu cuộc sống của chúng tôi”- bà nói. Bà đã chia sẻ câu chuyện đáng ngạc nhiên của mình trong quyển sách “We band of mothers: Autism, my son, and the Specific Carbohydrate Diet”.


CHẾ ĐỘ ĂN GAPS (GUT AND PSYCHOLOGY SYNDROME DIET)

Chế độ ăn GAPS bắt nguồn từ SCD, và được bác sĩ Natasha Campbell – McBride sử dụng để chữa bệnh viêm đường ruột mãn tính do thành ruột bị tổn thương hoặc do thiếu cân bằng hệ khuẩn ruột. Chế độ ăn này tập trung loại bỏ những thức ăn khó tiêu hóa và gây hại đến hệ khuẩn ruột, thay chúng bằng những loại thức ăn nhiều dinh dưỡng để chữa lành đường ruột.

Đây là chế độ ăn rất cần thiết cho những ai có các triệu chứng tiêu hóa nghiêm trọng như tiêu chảy, đau bụng đầy bụng và táo bón mãn tính, tuy nhiên GAPS có rất nhiều giai đoạn, hạn chế nhiều loại thức ăn và rất tốn thời gian để theo đuổi. Nếu quan tâm, bạn có thể tìm đọc sách “Gut and Psychology Syndrome Diet”.


Một chế độ ăn tương tự nhưng dễ thực hiện hơn là:


CHẾ ĐỘ ĂN BED (BODY ECOLOGY DIET)

Người sáng lập BED là chuyên gia dinh dưỡng Donna Gates. Theo Patricia Lemer, đây là chế độ dinh dưỡng tốt nhất, không chỉ cho người tự kỷ mà còn cho tất cả những người có vấn đề về tiêu hóa. Chế độ ăn này cũng là chế độ ăn không gluten không casein và cũng tương thích với SCD. Nó sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh nhiễm nấm ruột mãn tính.


Donna Gates coi tự kỷ là tổng hợp của rất nhiều rối loạn - tất cả đều có thể chữa lành. Bà tin rằng chính viêm nhiễm đường ruột - não bộ là nguyên nhân làm cho trẻ không kết nối được với xung quanh. Mục tiêu của BED là đem trẻ trở về với thế giới bằng can thiệp dinh dưỡng. Từ 2003 đến nay BED đã giúp rất nhiều trẻ có rối loạn phát triển vượt qua được các khó khăn của chúng.

Chế độ ăn này yêu cầu loại bỏ những thức ăn có vấn đề: đường, gluten, casein, đậu nành và các thức ăn đã qua chế biến. BED yêu cầu trẻ ăn thức ăn chất lượng cao nhất và nhiều dinh dưỡng nhất từ các nhóm thức ăn sau đây:

• Các loại rau lá sẫm màu nhiều dinh dưỡng và rau củ • Đạm động vật không tiêm hóc môn, kháng sinh, loại đạm dễ tiêu hóa như cá, gà, và một ít trứng. • Ngũ cốc không gluten: Quinoa, hạt kê, amarthan (dền hạt) , kiều mạch • Các loại dầu ăn không tinh luyện và các chất béo như dừa, gan cá tuyết (cod liver), hạt lanh, quả bơ, hạt mắc ca, quả oliu, dầu hạt bí, bơ ghee và bơ nguyên chất, và kem (cream) • Các loại trái cây được chọn lựa bao gồm: quả mọng, bưởi, kiwi, táo xanh, dứa, ăn với ít nhất 4 oz sữa chua dừa (khoảng 110 gam) để giảm bớt tác động của đường tự nhiên trong trái cây.


Những chất dinh dưỡng khác nhau sẽ đòi hỏi những môi trường khác nhau trong đường ruột để tiêu hóa, ví dụ đạm cần môi trường nhiều axít, nhưng chất bột lại cần môi trường kiềm, chính vì vậy trộn lẫn chất bột và đạm trong một bữa ăn sẽ làm cho dạ dày rất khó tiêu, BED yêu cầu trẻ ăn:

• Chất đạm cùng với những loại rau không có tinh bột hoặc rong biển • Chỉ ăn những ngũ cốc được phép và các loại rau có tinh bột (như bí đỏ, đậu, hạt đậu, ngô, hạt dẻ, atiso, khoai tây vỏ đỏ) với những loại rau không tinh bột hoặc rong biển. • Luôn ăn trái cây riêng khi bụng rỗng.


Chỉ ăn tới 80% dạ dày và để lại 20 % để tiêu hóa. Chế độ ăn này còn độc đáo ở chỗ nó bao gồm thêm thủy liệu pháp THẢI ĐỘC ĐẠI TRÀNG thường xuyên. Donna Gates đã thành lập một cộng đồng trực tuyến cho những người quan tâm đến việc chữa lành cho trẻ tự kỷ bằng BED, tên là BEDROK.


Bác sĩ Jacqueline McCandless, tác giả sách “Children with starving brains” (Trẻ với những bộ não đói) là bà của một cô bé tự kỉ, bà tin rằng những chế độ ăn kiêng chính là sự lựa chọn đầu tiên cho việc chữa lành. Bà nói “Khi tôi bắt đầu làm việc với trẻ tự kỷ, tôi nhận ra có hai nhóm phụ huynh, nhóm thứ nhất rất tận tâm, họ loại bỏ bột mì, loại bỏ sữa, bỏ đậu nành và cuối cùng là loại bỏ đường và những đứa trẻ này bắt đầu khỏe lên. Nhóm thứ hai là những người không tin rằng một chút đường, một ít bánh mì hay một cái bánh ngọt có thể làm hại con họ và những đứa trẻ này vẫn tiếp tục bị viêm nhiễm và không phát triển được. Cuối cùng thì bà đã từ chối làm việc với những cha mẹ không sẵn sàng thay đổi chế độ ăn cho con một cách nghiêm túc.


Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là LOẠI BỎ NHỮNG THỨ GÂY HẠI đang chiếm chỗ trong cơ thể của trẻ để giải phóng năng lượng cho việc nói, kết nối và học tập.


Hoa Le Trích từ sách “Outsmarting Autism”


Recent Posts

See All

Comments


bottom of page