top of page
  • Writer's pictureHoa Le

“ĐAU” VÀ “KHỔ”

Tiếng Việt của chúng ta thật thú vị, phần lớn mọi người nghĩ rằng đau gắn liền với khổ, tức là “đau thì khổ và khổ thì đau” nên hai từ đau khổ và khổ đau rất thông dụng. Những ngày này tôi thường xuyên tiếp xúc với các cụ già, rất hay đau và thường kêu khổ, tôi chợt nảy ra ý định tìm hiểu thêm về đau khổ, và phát hiện ra rằng hình như đau và khổ là hai khái niệm khác nhau.


“Đau chỉ nỗi đau về mặt thể xác, ví dụ như khi thân thể bị thương, bị đọa đày, dày vò hoặc bị vật gì đó đâm phải thì sẽ có những phản ứng sinh lí nhất định. Đây là hiện tượng sinh lí tự nhiên thông thường, nếu không họ không phải là người mà là cây cỏ, gỗ đá. Theo sử chép, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có lúc bị đau bụng, đau lưng, điều đó chứng tỏ rằng đức Phật cũng là con người như bao con người khác, về mặt thể xác có cảm giác đau. Tuy nhiên, Phật đau về thể xác chứ không có sự khổ về mặt tinh thần, không có biểu hiện đau về tâm lí.


Khổ có nhiều loại, ví dụ như khổ vì già, khổ vì bệnh, khổ vì chết. Tâm lí tham lam, luyến tiếc, chấp nhặt đã là một nỗi khổ; thấy bản thân mình lụi tàn theo năm tháng, bệnh tật dồn tới không thể từ chối nhưng tâm lí lại muốn trốn tránh chối từ thì sẽ đau khổ hơn.


Ngoài cái khổ vì sinh, già, bệnh, chết ra, còn nỗi khổ của cầu không toại nguyện, khổ của yêu thương chia lìa cách biệt, khổ của thù oán gặp gỡ, tụ hội và các tâm lí khổ kèm theo như lo âu, sợ sệt, đố kị, ghen ghét, căm hận, hoài nghi... Tất cả đều cho chúng ta một cảm giác rằng đời là bể khổ.” – Hòa Thượng Thánh Nghiêm.


Nếu nhìn vào định nghĩa trên thì có vẻ như đau là tất yếu, đặc biệt là trong trường hợp già, bệnh. Nhưng chúng ta lại có thể giúp mình bớt khổ.


Trong các khóa học nâng cao của chương trình The Son Rise, các thầy cô đã dạy chúng tôi một mô hình mà bây giờ nghĩ lại tôi thấy nó có thể rất hữu ích để con người bớt khổ. Đó là mô hình KÍCH THÍCH- NIỀM TIN-PHẢN ỨNG.


Ví dụ như bạn bị đau ở đâu đó trong người, đó là kích thích, và bạn thấy khổ, đó là phản ứng. Điều này nghe rất có lý đúng không? Nhưng cũng có lúc bạn đau như vậy mà bạn không thấy khổ hoặc những người khác cũng đau như bạn nhưng họ không thấy khổ. Chính vì vậy mới có yếu tố Niềm tin, vì sự thật là Niềm tin của bạn về kích thích đó mới quyết định phản ứng. Tôi nhận thấy ngay bố tôi trước đây khi đau người thì kêu khổ rất nhiều, nhưng bây giờ ông lại hay nói “tuổi này được thế là tốt lắm rồi con ạ, bố thấy bố rất may mắn” và ông ít kêu khổ hơn trước.


Tại Gánh Xiếc, trong nhiều năm qua chúng tôi đã dùng mô hình Kích thích – Niềm tin –Phản ứng trong chương trình trị liệu chơi để giúp cha mẹ của trẻ đặc biệt giải phóng bản thân khỏi những cảm xúc “khổ”. Có thể hôm nay con bạn chưa nói được, chưa đi học được với các bạn cùng tuổi, nhưng bạn hoàn toàn có thể vẫn thoải mái và hy vọng, vì tất cả những điều đó không nói lên việc con bạn sau này sẽ không thể làm hay không thể đạt được những gì. Và chính việc bạn thoải mái, và hy vọng là những yếu tố vô cùng quan trọng để giúp con bạn đạt được những điều bạn mong muốn.


Đau hay những điều bất như ý khác trong cuộc đời của chúng ta có thể không nhất thiết phải dẫn đến khổ, hãy cùng tôi thực hành từ những nỗi đau nhỏ bé mỗi ngày, biết ơn bạn!


Hoa Le

0 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page