top of page

KHI TỰ KỶ LÀ MÓN QUÀ

Writer: Hoa LeHoa Le

Ngồi trước mặt tôi trong bữa tối hôm qua là một người phụ nữ nhỏ nhắn, trí thức và dễ thương, chị rất thoải mái khi kể với tôi về hành trình đồng hành cùng cậu con trai tự kỷ của mình. Đã không ít lần tôi phải thốt lên “mẹ thật giỏi”, “mẹ quá tuyệt vời”.


Đúng như vậy, một mình chị, và sau vài năm thì thêm bố của bé, đã làm tất cả để biến một cậu bé tự kỷ nặng (không nói được, táo bón nặng, rối loạn giấc ngủ triền miên, kén ăn) trước 3 tuổi, trở thành một cậu học sinh lớp 10 thông minh, học giỏi, say mê chơi đàn piano, tự đạp xe đi học, đi mua sắm, đi tập thể thao, có thể ở nhà một mình và tự chăm sóc bản thân.


Khi con mới có chẩn đoán tự kỷ, chị cũng cho con đi can thiệp, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra rằng chị có thể làm tốt hơn những trung tâm mà chị đã cho con đến, bằng bản năng của một người mẹ và một nhà giáo dục. Chị có một trung tâm dạy toán cho trẻ theo phương pháp Soroban của Nhật và trong một số giai đoạn đồng hành cùng con trai, chị đã dùng phương pháp này để giúp con tập trung tốt hơn. Nhưng trên hết, chị nói rằng chị đã làm những gì chị nghĩ là tốt cho con, mà về sau thì chị thấy nó rất giống với chương trình The Son Rise. Thật thú vị, vì các kỹ thuật của The Son Rise cũng là trọng tâm của trị liệu chơi tại Gánh Xiếc. Cũng có thể vì thế mà tôi thấy rất đồng cảm với hành trình của chị.


Tuy vậy, con trai chị vẫn còn gặp khó khăn khi tương tác với các bạn cùng lớp, vì con không hiểu những câu chuyện của bạn, dường như con và các bạn có những mối quan tâm khác nhau. Chị nói với tôi rằng chị biết con có những căng thẳng khi ở trường, mặc dù con được học ở một trường quốc tế với rất nhiều sự hỗ trợ của các thầy cô và các bạn. Tôi nhớ lại câu nói của Tony Atwood, chuyên gia về trẻ tự kỷ chức năng cao và tác giả của rất nhiều sách về trẻ Asperger (tên gọi những trẻ tự kỷ chức năng cao trước đây), rằng hơn một nửa trong số trẻ tự kỷ đi học được thường sẽ phải ở nhà khi chúng lên lớp 8-9 vì cảm giác bị cô lập xã hội.


Tôi tin rằng chị và con sẽ vượt qua được những thách thức này, bởi vì ở chị có sự bình an, thấu hiểu và yêu thương con sâu sắc, đằng sau sự bền bỉ phải nói là vĩ đại mà tôi cảm nhận được qua câu chuyện của chị.


Điều khiến tôi vui mừng cho họ nhất chính là sự chuyển hóa mà chị có được từ hành trình can thiệp cho con, chính con đã giúp chị trở nên bình an. Và cả chồng chị, người mà trước đây con trai chị rất sợ, cũng đã thay đổi đáng kể, hai bố con bây giờ thường cầm tay nhau khi đi dạo ở ngoài đường. Chị tự hào nói với tôi, tự kỷ đã giúp chị và chồng trở thành những người như họ như bây giờ, với họ TỰ KỶ LÀ MỘT MÓN QUÀ.


Hoa Le

 
 
 

Comments


Đăng ký tại đây để nhận được bài viết mới nhất

Cảm ơn bạn đã đăng ký!

©2021 by Hoa Le​​

bottom of page