top of page
Writer's pictureHoa Le

TRẺ VỊ THÀNH NIÊN

Một cậu bé 16 tuổi ở trường cũ của con tôi tại thành phố Hồ Chí Minh mới tự tử.


Ba năm trước đây cũng tại trường này, một cậu bé 17 tuổi và một cô bé 13 tuổi đã tự tử trong khoảng thời gian cách nhau hai tháng. Mọi người đồn rằng cậu tự tử sau một thời gian bị mẹ mắng vì kết quả học tập giảm sút. Còn cô bé thì tự tử sau khi cha mẹ ly dị được vài tháng.


Năm ngoái, hai cô bé sinh đôi ở một trường khác cũng tự tử ở tuổi 15 đúng vào ngày sinh nhật của mình. Nghe nói là hôm đó bố mẹ các bạn này đã cãi nhau rất nhiều, họ sống ở trên tầng cao của một khu căn hộ và giữa đêm hai chị em cùng nhau nhảy xuống từ ban công phòng ngủ.


Thời còn đi học, chẳng bao giờ tôi thấy có học sinh tự tử.


Trong một bài pháp thoại gần đây của Thầy Minh Niệm (tác giả cuốn Hiểu Về Trái Tim rất nổi tiếng) dành cho các bạn trẻ, thầy nói:

“Chúng ta biết rằng mình đang sống trong một giai đoạn rất khó khăn, những biến động về dịch bệnh kéo theo những biến động về kinh tế, rồi chính trị, rồi kể cả những thiên tai xảy ra gần đây làm cho những người trẻ chúng ta hoang mang nhiều. Người lớn cũng hoang mang nhưng có lẽ họ là người trẻ đã hoang mang trước đó rất lâu rồi. Chúng ta cảm thấy mình rơi vào một giai đoạn hết sức lạc lõng, vừa không gắn kết được một cách trọn vẹn với thế hệ trước, cha mẹ ông bà của mình, vừa không thể cắm rễ sâu vào lòng thực tại với những gì đang xảy ra trong xã hội hiện nay. 
Mặc dù đời sống kinh tế có thể chúng ta khá đủ đầy so với những thế hệ trước nhưng chúng ta, thành thật mà nói, không có nhiều bình an và hạnh phúc. Chúng ta thấy là mình đang nắm bắt những cái gì đó nó rất tạm thời, rất hư ảo, và cứ theo cái đà này, chụp bắt và nhàm chán thì không biết tương lai của chúng ta sẽ đi về đâu.
Rồi những tháng ngày tới hạnh phúc nhiều hơn hay khổ đau nhiều hơn? Sống trong niềm tin hy vọng nhiều hơn hay chán chường thất vọng nhiều hơn? Chúng ta thừa nhận rằng chúng ta đã được trao truyền rất nhiều giá trị từ những thế hệ trước. Ít nhất là về đời sống vật chất cha mẹ đã lo chúng ta rất đủ đầy. Có thể nói nhiều bậc phụ huynh phải hy sinh, làm việc quần quật hơn 10 tiếng một ngày, làm hai, ba việc cùng một lúc để có thể tạo ra những điều kiện tốt nhất cho chúng ta học những ngôi trường danh tiếng.
Có nhiều bạn cha mẹ vay nợ ngân hàng để đưa ra nước ngoài du học và tạo mọi cơ hội thuận lợi nhất để chúng ta được ăn học thành tài, để vươn lên, để sánh vai cùng với bạn bè quốc tế, không thua kém ai cả. Và trong quá trình hy sinh đó cha mẹ chúng ta đã bỏ mất một cơ hội rất lớn, họ đã KHÔNG KẾT NỐI ĐƯỢC VỚI CHÚNG TA! Họ vì quá bận rộn, rồi trong quá trình mưu sinh đó họ đã không giữ nổi mình để cho bản thân có quá nhiều phiền não, nhiều năng lượng tiêu cực, gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, mà trực tiếp nhiều nhất đó là chúng ta. Cha mẹ thế hệ trước cho chúng ta nhiều giá trị về tinh thần nhưng lại không tạo ra môi trường để nuôi dưỡng, không có thời gian để ngồi hàn huyên tâm sự, để lắng nghe thật sâu những khó khăn và những trăn trở của chúng ta”.

Tôi còn nhớ có một cặp vợ chồng đến gặp mình đầu năm nay, cả hai đều ở trong trạng thái tinh thần rất căng thẳng. Người chồng đã trải qua trầm cảm một thời gian dài, cô con gái 10 tuổi của họ đã không ít lần bảo: “Con không muốn sống nữa nếu bố mẹ cứ tiếp tục cãi nhau như thế này”. Tôi chỉ nói với họ nên để mắt đến bé nhiều hơn, vì biết họ còn quá nhiều vấn đề của bản thân cần giải quyết.


Ngày sau sự kiện của hai cô bé sinh đôi, thầy hiệu trưởng trường đó đã viết thư cho tất cả các phụ huynh, cùng với lời kêu gọi:

“Lúc này, tôi chỉ muốn động viên các bạn làm một điều thôi. HÃY TÌM THỜI GIAN Ở BÊN CON, LẮNG NGHE, ÔM CHÚNG VÀ CHO CHÚNG BIẾT RẰNG BẠN YÊU CHÚNG. Các bệnh thần kinh có thể chữa lành”.

Hoa Le

66 views0 comments

Recent Posts

See All

ความคิดเห็น


bottom of page