Tôi có một cháu gái 4 tuổi xinh xắn và nói rất nhiều, nhiều đến mức những ngày em trai tôi là bố nó nghỉ ở nhà vì dịch Covid đôi khi ngủ ngày thức đêm để trốn khỏi phải nghe con nói. Giá như em tôi hiểu được cha mẹ của trẻ tự kỷ mong con mình nói được như thế nào.
Thường nhiều người trong số chúng ta luôn đi tìm hạnh phúc ở đâu đó ngoài những gì mình đang có.
Một phụ huynh có con tự kỷ đã từng nói với tôi “cô ơi em chỉ mong con em nói, chỉ cần một từ thôi cũng được, nói lặp lại cũng được, nói không có nghĩa cũng được”. Rồi khi phụ huynh đó gặp một bạn tự kỷ lớn ở chỗ chúng tôi, bạn này nói rất rõ ràng và đủ câu nhưng phần lớn không nói đúng hoàn cảnh, thì phụ huynh đó suy nghĩ, không nói gì thêm…
Hầu hết cha mẹ có con tự kỷ đều muốn con nói được như là mục tiêu ĐẦU TIÊN và thậm chí là DUY NHẤT, vì họ cho rằng “KHI CON TÔI NÓI ĐƯỢC NÓ SẼ HẠNH PHÚC”. Nhiều người sẵn sàng áp dụng những phương pháp can thiệp như bóp hai má của con để giúp con “bật âm” hoặc bắt con ngồi trên bàn để nhắc đi nhắc lại một âm hay một từ nào đó cho đến lúc con phát khóc hoặc đánh mẹ mới thôi, mà có khi vẫn chưa thôi vì nghĩ là con chống đối và con có thể nói được ở thời điểm đó nhưng cố tình không nói. Nếu các bạn biết con mình không phải là đang chống đối, mà thực sự là đang quá căng thẳng vì bị ép làm những điều mà con chưa đủ khả năng hoặc đang bị quá tải giác quan thì liệu các bạn có làm khác đi?
Chẳng có một điều kỳ lạ nào có thể làm cho con bạn hạnh phúc hay không. Nhiều người giao tiếp bằng lời giỏi nhưng rất bất hạnh. Nhiều người bệnh tật nhưng hạnh phúc. Hạnh phúc không đến từ bên ngoài, mà từ những gì chúng ta nghĩ về hoàn cảnh của mình và quyết định sẽ sống với chúng như thế nào.
Mặc dù một trong các mục tiêu quan trọng khi tôi làm việc với cha mẹ có con tự kỷ là muốn giúp con của các bạn phát triển giao tiếp bằng lời, nhưng tôi vẫn muốn các bạn, nếu có thể, hãy thay đổi suy nghĩ “TÔI SẼ HẠNH PHÚC KHI CON TÔI NÓI ĐƯỢC” của mình. Mối quan hệ giữa bạn và con là mối quan hệ hai chiều. Vai trò của con bạn trong mối quan hệ này là quyết định có thử, hay chọn việc sẽ nói. Vai trò của bạn là cho con cơ hội và làm cho các cơ hội đó trở nên càng thú vị và hấp dẫn càng tốt. Còn lại là tuỳ con.
Chúng ta được điều kiện hoá bởi xã hội để tin rằng thành công sẽ làm chúng ta hạnh phúc và thất bại làm chúng ta đau khổ. Điều này đặt chúng ta vào tình trạng là niềm vui của chúng ta phụ thuộc vào những gì con làm được và không làm được.
Nhưng trong khi chúng ta không thể kiểm soát được những gì con chúng ta quyết định sẽ làm, chúng ta có thể kiểm soát được việc chúng ta sẽ cảm thấy thế nào về con.
Hãy tập trung vào quá trình và con đường thay bằng chỉ tập trung vào mục tiêu. Mỗi ngày bạn hãy tìm một điều gì đó bạn làm và quyết định hãy hạnh phúc về điều đó. Sẽ luôn có một điều gì đó bạn có thể tìm để hạnh phúc về nó. Sẽ rất quan trọng nếu bạn tập làm điều này, huấn luyện cho não của bạn nhìn thấy những gì mình đang làm được thay bằng những gì mình chưa làm được. Làm điều này với con bạn nữa. Mỗi ngày, hãy nghĩ và viết ra một thứ con bạn đã làm được, có thể là âm thanh mà bé nói, hoặc cố gắng của bé để nói được một từ, hoặc từ mới hoặc một từ mà bạn đã nghe nhiều lần trước đó. Hoặc kể cả nếu bé chưa có một âm thanh nào thì tôi vẫn tin là có rất nhiều điều tốt mà bé đã làm được trong ngày, ví dụ như nhìn mẹ, cho phép mẹ ôm bé hoặc ăn thêm được một món ăn mới…
Làm thế này là bạn tập trung vào những gì con bạn đang làm được thay bằng những gì con bạn chưa làm được. Khi bạn cảm thấy vui với những gì bạn và con bạn đang làm được, bạn sẽ gây được nhiều hứng thú hơn và cho con nhiều cơ hội hơn để giao tiếp bằng lời.
Hoa Le
コメント