Tôi rất may mắn có những cộng sự thật yêu nghề, một trong số họ là mẹ bỉm sữa, hôm nay vừa trông đứa con gái 9 tháng tuổi của mình vừa tranh thủ học. Đến lúc bé nhận thấy mẹ đang không chú ý đến mình thì bắt đầu khóc, tôi bảo em dừng lại để chơi với con và nhắn thêm “cố gắng để bé trở thành đứa trẻ “không sang chấn” nhé”.
Đó là cách đùa kiểu bệnh nghề nghiệp của chúng tôi. Nhưng nếu tính ra thì không ai trong chúng ta lớn lên mà không gặp những tổn thương về thể chất hay tinh thần trong những thời điểm nào đó, vì chẳng có cha mẹ nào là hoàn hảo. Chúng ta trở thành cha mẹ theo bản năng và học qua các sai lầm của mình.
Có khoảng 15% những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh, tức là rất nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi về mặt cảm xúc, 1 trên 5 bé gái và 1 trên 20 bé trai bị lạm dụng tình dục ở Mỹ. Rất nhiều gia đình cha mẹ cãi nhau hoặc lăng mạ nhau làm con sợ đến mức phải chui vào phòng nằm khóc hoặc chạy sang nhà hàng xóm…? Và bao nhiêu bạn có cha mẹ đã ly dị hoặc đã chứng kiến một người nào trong gia đình lớn của mình phải đi tù? Chưa kể đến những tổn thương khó tránh khỏi như các can thiệp y tế lớn trong những năm đầu đời của trẻ, thiên tai hay những mất mát lớn trong gia đình.
Khi trẻ trải qua nhiều tổn thương trước năm 18 tuổi hoặc các tổn thương kéo dài, chúng có thể được chẩn đoán là có rối loạn “sang chấn phát triển”.
Peter Levin là một chuyên gia trị liệu sang chấn nổi tiếng và là người sáng lập phương pháp “somatic experiencing/trị liệu trải nghiệm cơ thể”. Ông nói rằng sang chấn là một thực tế của cuộc sống, tuy nhiên nó không nhất thiết phải là án tử hình.
Chúng tôi đã làm việc với nhiều trẻ có những sang chấn phát triển nhưng được chẩn đoán tự kỷ, tăng động giảm chú ý hay chậm phát triển trí tuệ. Stephen Porges, nhà sáng lập học thuyết thần kinh đa phế vị cũng nói rằng rất nhiều trẻ tự kỷ hoặc tăng động có các sang chấn đầu đời. Sang chấn cũng là yếu tố quan trọng nhất dự đoán các rối loạn tâm thần như rối loạn lo lắng, trầm cảm, lạm dụng ma tuý và tự tử. Rất nhiều nghiên cứu cho rằng sang chấn phát triển là khủng hoảng y tế công cộng lớn nhất ở Mỹ.
Trong khoảng hơn mười năm trở lại đây, khi truyền thông nói nhiều đến sang chấn, lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cũng phát triển một cách tiếp cận mới, được gọi là “trauma informed care/chăm sóc sức khoẻ bằng các hiểu biết về sang chấn”. Đã có rất nhiều trường phổ thông ở Mỹ trở thành những trường học hiểu biết về sang chấn.
Cách tiếp cận mới này đòi hỏi sự nhạy cảm và thấu hiểu sâu sắc hơn. Sang chấn phát triển xảy ra trong các mối quan hệ tối quan trọng những năm đầu đời và nó có thể mang lại những hậu quả khôn lường đối với sự phát triển của một con người.
Một người phát triển bình thường sẽ cảm nhận thế giới khách quan, có thể giải quyết vấn đề và đặt kế hoạch cho tương lai một cách linh hoạt. Người đó sẽ nhận biết được các cảm xúc của mình và chịu đựng được chúng đủ lâu để học từ chúng và quan trọng nhất là quản lý được chúng. Người đó biết mình là ai và biết tự bảo vệ mình, có khả năng thiết lập các mối quan hệ đáng tin cậy và dựa vào các mối quan hệ đó để được hỗ trợ khi cần thiết.
Tất cả những lĩnh vực phát triển đó cần một bộ não lành mạnh và được điều chỉnh, ở đó phần não tư duy và phần não cảm xúc phối hợp nhịp nhàng, để khi chúng ta trải nghiệm căng thẳng hay đau khổ, não sẽ giúp chúng ta chịu đựng và đưa chúng ta trở về trạng thái ổn định. Đây là nền tảng của sự phát triển và nền tảng này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sang chấn thời thơ ấu.
Một đứa trẻ gặp sang chấn có rất nhiều trải nghiệm sợ hãi, thiếu an toàn trong chính các mối quan hệ mà đáng nhẽ phải nuôi dưỡng và hỗ trợ nó. Nó không cảm thấy an toàn trong cơ thể, không an toàn trong cảm giác, và thậm chí không an toàn trong suy nghĩ.
Sang chấn phát triển có thể chữa lành, như tiến sĩ Peter Levin đã nói. Nhưng nó sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, và đặc biệt đòi hỏi những mối quan hệ quan trọng nhất phải được thay đổi bằng những mối quan hệ mới mang lại sự AN TOÀN cho trẻ, bắt đầu từ quan hệ với cha mẹ và những người lớn quan trọng khác.
Hoa Le
Comments