TỐI NAY, sau khi các con đã đi ngủ, và bạn có thời gian cho riêng mình, tôi muốn bạn nghĩ đến ngôn ngữ mà bạn dùng với con đặc biệt của mình hàng ngày, bao nhiều phần trăm thời gian bạn dùng các câu hỏi, mệnh lệnh, hướng dẫn, gợi ý, nhắc nhở hoặc những câu mang tính chất chỉ đạo?
Steven Gutstein, người sáng lập RDI (Can thiệp Phát triển Mối quan hệ), là người có công trong việc giới thiệu cho chúng ta tác động của ngôn ngữ đối với việc tăng cường tương tác của trẻ tự kỷ. RDI nhấn mạnh sự khác biệt quan trọng giữa ngôn ngữ “mệnh lệnh” (imperative) và ngôn ngữ “mô tả hay tuyên bố” (declerative).
Ngôn ngữ mệnh lệnh có mục đích gợi ra một phản ứng cụ thể. Chúng được dùng để kiểm soát. Ngôn ngữ mệnh lệnh thường đặt trẻ tự kỷ vào tình thế khó khăn, vì nó yêu cầu một câu trả lời và gây lo lắng cho chúng, những người gặp khó khăn tương tác xã hội.
Theo Bill Nason, chuyên gia có 50 năm kinh nghiệm về tự kỷ và tác giả các cuốn sách “Autism Discussion Page”, giao tiếp bằng ngôn ngữ mệnh lệnh đòi hỏi trẻ tự kỷ phải xử lý nhanh chóng những gì được nghe và thực hiện theo yêu cầu. Việc xử lý và thực hiện nhanh chóng này tạo ra rối loạn lo âu ở tự hầu hết người tự kỷ. Những gì xảy ra trong đầu họ khi được nghe mệnh lệnh là: "Họ đã nói gì? Họ có ý gì? Tôi phải trả lời thế nào? Liệu câu trả lời của tôi có đúng không?" Tất cả đều tạo ra sự lo lắng, căng thẳng, làm người tự kỷ mất tự tin vào khả năng giao tiếp vốn đã rất hạn chế của mình.
Là cha mẹ của trẻ đặc biệt, nhất là những trẻ chưa nói được, bạn rất muốn con nói nên liên tục nhắc nhở, đặt câu hỏi, gần như ép buộc con phải nói. Chính lo lắng đến từ việc bị ép buộc góp phần lớn vào sự ngăn cản con nói.
Mệnh lệnh là để chỉ đạo, chứ không phải để kết nối hay giao tiếp. Ngôn ngữ mệnh lệnh có xu hướng đẩy trẻ tự kỷ ra xa chúng ta hơn là mời chúng tương tác, và dễ đưa chúng vào trạng thái chống trả hoặc chạy trốn.
Bạn thân mến, bạn hãy đảm bảo rằng trong phần lớn tương tác của bạn với con, bạn dùng ngôn ngữ mô tả hoặc tuyên bố, dùng những câu nói không nhằm mục đích đòi hỏi một phản ứng, không nhắc nhở, không yêu cầu. Khi bạn giao tiếp với con bằng ngôn ngữ mô tả hoặc tuyên bố, bạn mời gọi tương tác và sự kết nối thay cho kiểm soát. Steven Gutstein nói rằng trẻ tự kỷ thấy tự do hơn để giao tiếp khi chúng ta không hỏi, nhắc nhở hoặc hướng dẫn chúng.
Hai người bình thường giao tiếp với nhau sẽ có xu hướng sử dụng 80% ngôn ngữ mô tả và 20% ngôn ngữ mệnh lệnh. Họ dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và quan điểm, ít đặt câu hỏi hay chỉ đạo. Nhưng vì lý do nào đó, khi chúng ta tiếp cận với người tự kỷ, 80% ngôn ngữ chúng ta dùng là mệnh lệnh và chỉ 20% mang tính mô tả.
Chúng ta thường nghĩ rằng người tự kỷ có xu hướng gặp khó khăn trong việc trò chuyện nên cố gắng duy trì sự tương tác bằng cách đặt nhiều câu hỏi hơn để nhận được phản hồi. Thật không may, chính ngôn ngữ mà chúng ta đang sử dụng để giúp người tự kỷ tương tác lại là ngôn ngữ khiến họ lo lắng nhất. Thay vì làm cho việc giao tiếp trở nên dễ dàng hơn, chúng ta lại đang làm cho nó trở nên khó khăn hơn.
Và hầu hết các kỹ thuật giảng dạy thường được sử dụng với trẻ tự kỷ hầu hết đều mang tính mệnh lệnh. Chúng ta nhắc nhở, gợi ý, hỏi và gây áp lực để trẻ phải thực hiện. Cách tiếp cận này không chỉ cản trở việc học mà còn ngăn cản việc kết nối với trẻ.
Tôi mong bạn hãy học cách diễn đạt lại những câu mệnh lệnh thành những câu mang tính tuyên bố, ví dụ thay bằng yêu cầu con phải chào bạn khi bạn đi làm về, bạn hãy chào con thật vui vẻ "mẹ chào con, mẹ rất vui khi được về nhà với con". Hãy thực hành và quan sát phản ứng của con bạn. Bạn sẽ thấy con bắt đầu cởi mở, giao tiếp và chia sẻ nhiều hơn, vì con có thể thư giãn và định hình suy nghĩ cũng như phản ứng của mình, CON BẠN RẤT THÔNG MINH.
Hoa Le
Comments