top of page
Writer's pictureHoa Le

CHẤP NHẬN HÀNH VI TỰ KỶ CÓ CẢN TRỞ TƯƠNG LAI CỦA TRẺ?

Tại sao cô nói nên để cho con em được giơ tay lên trước mặt trong khi các cô giáo ở trung tâm can thiệp lại nói không được? – là câu hỏi mà một người bố có con tự kỷ đặt ra cho tôi trong buổi tư vấn gần đây.


Tôi đã nghe những câu hỏi tương tự như thế này không biết bao nhiêu lần trong những buổi tư vấn của mình với cha mẹ trẻ đặc biệt, và tôi thường sẽ hỏi họ: giả sử như con không giơ tay lên trước mặt mà gãi vì ngứa hay ho liên tục thì họ sẽ làm gì?


Khi con ho bạn có mắng con hay là bắt con phải dừng ho không? Chắc là không. Bởi vì bạn biết ho chỉ là triệu chứng. Nguyên nhân có thể là do không khí ô nhiễm, hoặc con đang bị lạnh. Thường thì bạn sẽ xử lý các nguyên nhân đó để bạn giúp con.


Nhưng vì một lý do nào đó, khi chúng ta nói đến các hành vi không mong muốn ở trẻ tự kỉ, như hành vi trẻ giơ tay lên trước mặt của con trai người cha ở trên, chúng ta đã được học cách chỉ trích các hành vi đó, với một lý do như các cô giáo can thiệp đưa ra là chúng sẽ cản trở tương lai của con. Tôi hoàn toàn hiểu các cô giáo đang làm tốt nhất có thể để giúp con vì các cô thật sự tin điều đó.


Nếu bạn nhìn vào hai hành vi: trẻ đưa tay lên trước mặt và ho, bạn sẽ thấy chúng đều là những tình huống ở đó hành vi không phải là vấn đề mà chỉ là dấu hiệu của vấn đề. Chúng ta thường được khuyến khích xử lý các triệu chứng, thay cho việc hiểu và xử lý các vấn đề gốc rễ.


Thật khó khi cha mẹ phải tiếp xúc với những nguồn thông tin gần như là đối lập với nhau như vậy, tôi chỉ có thể khuyên họ nên tự tìm ra câu trả lời cho chính mình, và điều đầu tiên là quan sát thật kỹ cách mà con đưa tay lên trước mặt để xem nó đem lại cho con những cảm giác như thế nào, hành vi này thường xảy ra khi nào, ở đâu, có mặt những ai, để có thể tìm cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu của con phải giơ tay lên trước mặt.


Mọi hành vi đều quan trọng đối với trẻ tự kỷ ở một khía cạnh nào đó, việc cha mẹ cố gắng chấp nhận và hiểu tại sao con cần làm như vậy sẽ thật sự mang lại niềm tin và sự kết nối, nền tảng cần thiết cho mọi tương tác và giao tiếp xã hội. Và chẳng phải đó là mục tiêu cuối cùng của mọi chương trình can thiệp tự kỷ hay sao?


Các cha mẹ yêu quý, có thể điều các bạn cần nhất không phải là nghe những nhà trị liệu hay các giáo viên can thiệp, mà là tin vào bản năng của mình, mỗi khi các bạn phải đối diện với tình huống giống như người cha này. Tôi xin được trích một đoạn nói về bản năng của cha mẹ trong cuốn sách tôi rất yêu thích: Uniquely Human, của Tiến sĩ Barry Prizant, chuyên gia tự kỷ có 50 năm kinh nghiệm.

Một trong các ký ức đau buồn nhất của Bob Domingue là khi Nick 4 tuổi. Nick có thể nói nhưng thỉnh thoảng khép mình trong im lặng và nhiều khi phải vật lộn với việc giao tiếp. Một nhà trị liệu khuyên Bob và vợ là Barbara, rằng điều quan trọng là phải ép Nick dùng ngôn ngữ bất cứ khi nào có thể. Một buổi chiều trong bếp, Nick lại gần bố, nắm lấy tay bố và dẫn bố đến tủ lạnh.
“Con muốn gì, Nick”, Bob hỏi.
Im lặng, Nick kéo tay bố đến tay cầm của cánh tủ lạnh.
“Con muốn gì?” Bob nhắc lại, làm theo lời khuyên của nhà trị liệu.
Rất khổ sở, Nick nói một từ “cửa”.
Bob hiểu chính xác con trai mình cần gì: một cốc nước trái cây. Nhưng ông vẫn cố ép, bắt buộc Nick phải dùng từ để nói với mình. Nick chỉ làu bàu.
“Con muốn sữa à?”, bố hỏi, cầm hộp sữa giơ lên.
Nick lại làu bàu, lắc đầu.
Bob giơ một lọ dưa chuột muối lên “con muốn dưa chuột muối hả?”
Nick, rõ ràng là đã bực bội và chán nản, thở dài, lê bước đến góc bếp, ngồi xuống và từ từ khóc trong yên lặng.
Hàng chục năm sau, hình ảnh đó còn làm Bob và Barbara buồn, “Nó muốn giao tiếp. tại sao tôi lại hành hạ nó như thế? Bob nói “tôi đã hoàn toàn không cần phải làm thế”. Barbara nói, bài học thật rõ ràng: rằng họ cần phải tin vào bản năng của mình về con. Nếu là cha mẹ chúng ta cảm thấy đây là những gì chúng ta nên làm, thì đó là những gì chúng ta nên làm”, cô ấy nói “Chúng ta cần phải làm theo bản năng mách bảo”.

Biết ơn lòng dũng cảm của những cha mẹ có con tự kỷ.

Hoa Le

27 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page