top of page
  • Writer's pictureHoa Le

CĂNG THẲNG ĐỘC HẠI

Sáng nay mở mắt kiểm tra nhiệt độ ngoài trời: 2 độ C! Kiểu gì thì cũng phải đi ra ngoài không để mua đồ ăn thì cũng phải đi bộ một lúc, nghĩ đến lúc mới ra cảm giác căng thẳng nhưng thường sau khi run rẩy và đi được một lúc thì đỡ hơn và sau nhiều lần như vậy sẽ thấy mình có thể chịu lạnh tốt hơn. Còn nhớ năm đầu sinh viên ở Kiev mùa đông lạnh – 30 độ C mà vẫn chịu được, chỉ có “mỗi” một khác biệt là lúc đó mình trẻ hơn bây giờ gần 4 thập kỷ.


Căng thẳng là phản ứng bình thường của cơ thể một người với các sự kiện hay kích thích mang tính thử thách đối với người đó. Trước đây tôi cứ nghĩ mọi căng thẳng đều không tốt nhưng không hẳn thế và trên thực tế có tới ba loại căng thẳng.


Căng thẳng tích cực (positive stress) có thể xảy ra khi một đứa trẻ sắp bị tiêm, ngày đầu tiên nó đến trường, khi nó phải đối phó với các kỳ thi quan trọng hoặc khi bước vào những trận đấu thể thao – đó là một phần của cuộc sống, và cha mẹ cũng như các người chăm sóc khác sẽ giúp trẻ chuẩn bị cho những sự kiện đó và học cách xử lý chúng, thường chúng không phải là các căng thẳng ở mức độ cao và không kéo dài. Chúng có thể làm tim chúng ta đập nhanh hơn và tăng lượng hóc môn căng thẳng trong cơ thể nhưng có thể hồi phục lại nhanh chóng ở mức bình thường.

Căng thẳng có thể chịu đựng được (tolerable stress)- đó là những căng thẳng nghiêm trọng nhưng tạm thời, ví dụ như sự ra đi của một người mà chúng ta gắn bó, khi có được sự giúp đỡ của những người thân khác, chúng ta thường có thể vượt qua được và tránh khỏi các tổn thương tâm lý và thể chất.


Căng thẳng độc hại (toxic stress): khi có quá nhiều căng thẳng xảy ra trong một thời gian dài hoặc căng thẳng ở mức độ quá cao mà cơ thể và hệ thần kinh của chúng ta bị kích hoạt trong thời gian dài, sự phát triển của não và hệ miễn dịch bị gián đoạn sẽ đem lại những hậu quả không hề nhỏ: tổn thương não, các bệnh tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, rối loạn xúc cảm lưỡng cực, tự tử…) và các bệnh mãn tính (ung thư, tiểu đường, và đặc biệt là bệnh tim).


Những CĂNG THẲNG ĐỘC HẠI này nếu xảy ra trước khi chúng ta 18 tuổi sẽ được coi là các trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu (ACEs) và chúng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mỗi con người, đặc biệt là KHẢ NĂNG CÓ NHỮNG MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI TỐT ĐẸP.


Tôi rất thích ví dụ của bác sĩ nhi Nadine Burke Harris khi nói về các căng thẳng:


Khi các sự kiện trong môi trường đáng sợ và gây hại – như khi chúng ta chạm trán một con gấu trong rừng – não của chúng ta tự động chuyển sang tình trạng chống trả chạy trốn và bỏ qua chức năng suy nghĩ, vì suy nghĩ có thể trở nên quá phức tạp để có thể giúp chúng ta sống sót (Con gấu này có phải là gấu thật hay không? Nó đang chú ý đến mấy bụi dâu rừng hay là sẽ giết mình? Mình có nên chờ cho đến khi nó tấn công mình hay không?). Khi có sự giúp đỡ của những người lớn quan tâm chăm sóc, trẻ có thể vượt qua được loại căng thẳng có thể chịu đựng được này.


Căng thẳng độc hại xảy ra khi mà “con gấu giận dữ đó” về nhà mỗi tối từ quán bar. Não và cơ thể của đứa trẻ sẽ sản sinh ra quá nhiều hóc môn căng thẳng – cortisol và adrenaline – làm hại đến chức năng và cấu trúc của não. Điều này có thể sẽ huỷ hoại đứa trẻ, đặc biệt trong thời gian não của nó đang phát triển ở mức “phi nước đại” từ trong bụng mẹ tới khi nó ba tuổi. Căng thẳng độc hại là các căng thẳng có thể đến từ các phản ứng với cuộc sống nhiều năm tháng với một người cha say xỉn gào thét thường xuyên, hay với một người mẹ trầm cảm nặng hoặc bỏ rơi mình, hoặc một người lớn trút những giận dữ của mình với cuộc sống lên người đứa trẻ bằng những lời chửi rủa và dây thắt lưng.


Hãy cẩn thận với các căng thẳng độc hại nếu bạn muốn con mình lớn lên khoẻ mạnh và hạnh phúc!


Hoa Le

11 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentarios


bottom of page